Kiểm tra nhà máy thủy điện xả nước làm dân chết đuối ở Đắk Lắk

TPO - Ngày 19/3, đoàn công tác của Bộ Công thương cùng các ban ngành tỉnh Đắk Lắk đã đến kiểm tra nhà máy thủy điện Đrây H’Linh 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là nơi xảy ra vụ 2 người dân bị đuối nước khi nhà máy này xả nước phát điện.
nhà máy thủy điện Đrây H’Linh 1

Theo quan sát của PV, vị trí hai người dân bị đuối nước nằm cách cửa xả của nhà máy thủy điện Đrây H’Linh khoảng 1km, địa hình bên sông vực cao, nước chảy mạnh. Đoạn sông này người dân có thể tự do đi xuống men theo các con đường mòn nhưng không hề có các cọc tiêu, bảng cảnh báo nguy hiểm cho dù đây là khu vực của ba nhà máy thủy điện Đrây H’Linh 1,2,3.

Nhà máy thủy điện Đrây H’Linh 1.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Văn Thiện Nhân - Giám đốc Xí nghiệp thủy điện Đrây H’Linh, cho hay: Vào thời điểm hai người dân bị đuối nước, nhà máy đang chạy hai tổ máy theo lịch điều độ. Lúc vận hành này, nước trên sông Sêrêpốk vẫn chưa qua đập dâng của thủy điện. “Đây là sự cố đáng tiếc, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà máy”, ông Nhân nói.

Trong lúc đó, ông Lê Hữu Danh - Phó giám đốc Công ty lưới điện cao thế miền Trung (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đrây H’Linh 1), cho biết: Ngay khi sự cố xảy ra, đơn vị đã phối hợp với địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn, thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Việc vận hành của nhà máy là đúng quy trình đã được phê duyệt, quy chế phối hợp với địa phương. Nhà máy chỉ cắm các cọc cảnh báo về mực nước ở các khu vực dưới hạ du, không có cảnh báo trước khi chạy máy.

Ông Lê Hữu Danh (người đứng) - Phó giám đốc Công ty lưới điện cao thế miền Trung.
“Trong quy trình vận hành nhà máy được Bộ Công thương phê duyệt, việc hụ còi chỉ thực hiện trong mùa lũ và xả lũ thôi. Còn trong mùa khô cứ theo giờ hoặc được điều động thì mình chạy máy. Mùa khô nước cạn, khi chạy máy nước chỉ chảy xuống ở mức bình thường, không phải xả lũ nguy hiểm. Trong khi đó, lưu lượng nước trên sông Sêrêpốk sau nhà máy thủy điện Đrây H’Linh là không lớn. Vào thời điểm các nạn nhân gặp nạn, mực nước trên sông chỉ dâng khoảng 0,8m so với khi chưa chạy máy, ông Danh cho biết.

Ông Tô Xuân Bảo - Phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường điện - Bộ Công thương, cho rằng: “Nhà máy đã có thiếu sót trong việc cắm bảng cảnh báo an toàn ở các khu vực. Ngay khu vực hai nạn nhân gặp nạn không hề có cọc tiêu, bảng cảnh báo nguy hiểm. Ở những vị trí mà người dân có thể tiếp cận dòng sông, nhà máy cần có các bảng cảnh báo cấm bơi lội trên sông vì thủy điện sẽ xả nước bất ngờ”.

Thác Đrây H’linh, nơi hai người dân bị đuối nước.

Như báo Tiền Phong đã đưa tin, khoảng 13h30 ngày 16/3, chị H’Yam Niê (27 tuổi, ởthôn 1, xã Cư Ê bur, TP. Buôn Ma Thuột) và chị H Duin Niê (24 tuổi, ởbuôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) thấy nước sông Sêrêpốk dưới chân thác Đrây H’linh (hạ nguồn nhà máy thủy điện Đrây H’linh 1) cạn nên rủ nhau xuống hái rau rừng về ăn. Đúng ngay lúc này, nhà máy thủy điện bất ngờ xả nước chạy máy nên cả hai bị nước cuốn trôi. Đến ngày, 17-3, thi thể hai nạn nhân mới được tìm thấy.

Hụ còi cảnh báo là “không khả thi"?

Theo ông Lê Hữu Danh, nhà máy thủy điện Đrây H’linh 1 đã có nhiều cọc tiêu cảnh báo ở những vị trí nguy hiểm, có văn bản cảnh báo chung đến các địa phương hạ du của thủy điện. Nhưng 2 nạn nhân gặp nạn không nằm trong 4 xã hạ du của nhà máy, đã được tuyên truyền, cảnh báo tai nạn khi thủy điện chạy máy. Đây là nhà máy thủy điện điều tiết ngày nên theo lịch điều độ của B41 (Sở Công thương Đắk Lắk) nên mực nước trên sông thay đổi thường xuyên. Vì vậy việc cảnh báo nhân dân bằng còi hụ là không khả thi.