Thông tin cho hay, một kiểm lâm viên đã bị bắt quả tang ngay tại trụ sở khi đang nhận hối lộ 100 triệu đồng. Hai bọc tiền hối lộ mệnh giá 500.000 đồng đã được dúi vội vào một chậu cây cảnh trước trụ sở kiểm lâm. Kiểm lâm viên này ngay sau đó đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra.
Bạn đọc bất bình với kiểm lâm viên không bảo vệ rừng mà lại đi tiếp tay cho lâm tặc, bạn đọc cũng hết lời ngợi ca hành động quyết liệt, chiến công thầm lặng của các chiến sĩ công an nhân dân trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Đây không phải vụ việc đầu tiên và hẳn cũng chưa thể là vụ việc cuối cùng liên quan tới tiêu cực trong lực lượng kiểm lâm. Dư luận lâu nay đã từng không ít lần đặt câu hỏi, không hiểu sao lâm tặc lại ngang nhiên đốn gỗ quý trên rừng già, lộng hành giữa ban ngày mà kiểm lâm không hề hay biết? Thì đây, vụ việc trên sẽ là câu trả lời sống động nhất.
Một khi có tiêu cực ngay trong lực lượng chống tiêu cực, mọi nỗ lực sẽ trở thành bất lực. Một khi chính kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, cổ thụ giữa rừng già ắt sẽ bị đốn ngã, ắt sẽ bị xẻ thịt về xuôi. Thiên tai, lũ lụt mỗi ngày một khốc liệt có bàn tay phá hoại rừng của con người, trong đó chắc chắn có lâm tặc và những kẻ chống lưng cho chúng. Hai bọc tiền trị giá 100 triệu dúi vội trong chậu cây cảnh giữa trụ sở cơ quan kiểm lâm dưới sự truy soát gắt gao của cảnh sát. Sự hối lộ trơ trẽn giữa chốn công quyền bị bắt quả tang tự nó đã nói lên nhiều điều.
Hậu họa khủng khiếp của nạn phá rừng, của những kẻ khoác áo kiểm lâm nhưng tiếp tay cho lâm tặc gây ra, hẳn đã rõ. Song ngoài cơn cuồng nộ của thiên nhiên gây thiệt hại về của cải vật chất, có sự mất mát khác còn lớn hơn ở trong lòng mỗi người dân. Đó chính là niềm tin của dân vào bộ máy công quyền, vào những người thực thi công vụ đang bị xói mòn bởi những vụ việc tiêu cực như trên. Một khi kiểm lâm mà tiêu cực, không bắt mà còn nhận hối lộ, hẳn sẽ nguy hiểm và gây hại gấp bội phần lâm tặc.