Khúc gỗ 700 năm dưới đáy sông, tiền tỷ không dám bán

Hai khúc củi khổng lồ và hầu như choán hết cả không gian sát mé tường phòng khách. Chuyện đến tai các chuyên gia nghiên cứu và thế là cuộc tranh cãi bắt đầu…
Ông Quách Văn Địch - người tình cờ "nhặt" được hai khúc củi quý rớt dưới đáy sông Hồng.

Một ngày đẹp trời mùa hè năm 1999, một người đàn ông nhỏ bé và điềm tĩnh có tên Quách Văn Địch thư thả đi hóng gió bên bờ sông Hồng. Chẳng biết run rủi (hay may rủi) thế nào, ông lạc bước đến bờ Nam sông Hồng, vị trí có tour du lịch sông Hồng với những chiếc phà nổi được ghì sát mé sông để làm vài “quại bia” nghiêng chiều cùng mấy người bạn chiến đấu.

Thế nhưng, cái ý định “nghiêng chiều” của ông bỗng chốc tan thành mây khói, khi ông tình cờ nhìn thấy một chiếc mỏ neo cũ kỹ nằm kềnh càng trên bãi đất trống. Tò mò, ông vui chân lại nhìn ngắm mà không hề nghĩ rằng, đó là một bước chân định mệnh.

Ban đầu, ông Địch cũng chỉ có ý mua về treo trước quán ăn của mình cho vui...

Nhưng, câu chuyện bước sang một hướng mà chính ông cũng không ngờ tới!

Chiếc mỏ neo gỗ có hình dáng kỳ lạ chưa từng được nhắc đến: thân chính của mỏ neo dài gần chục thước; hai ngạnh hai bên được ghì với thân chính bằng một cái đai sắt, và lại được “khóa” thêm bằng một lần dây chão quấn ghì nhiều vòng, kiểu buộc chỉ có thít chặt vào chứ không bao giờ mở ra. Độ mở của hai chiếc ngạnh hai bên từ vị trí thân trụ của mỏ neo, mỗi bên cũng gần ba thước.

Ban đầu, ông Địch nghĩ đó là mô hình người ta dựng lên để làm trang trí không gian cổng vào của bến tàu du lịch sông Hồng - một mô hình khổng lồ, kỳ dị mà các hang kinh doanh vẫn thường làm với mục đích quảng bá.

Thế nhưng, xem kỹ, ông Địch mới thấy kỳ lạ bởi nước gỗ đã xám xịt màu thời gian; những dăm gỗ trên bề mặt trục chính và hai ngạnh bị nước và nóng làm nở ra, đều tăm tắp hệt như một bức tranh sắp đặt mà ai đó cố tình tạo ra.

Dò hỏi, hóa ra đó là một chiếc mỏ neo được người dân thuyền chài khu vực Bến Gỗ mới trục vớt được vài ngày, còn đang để nhờ Công ty Du lịch Sông Hồng. Sẵn có quán hàng ăn mà hai vợ chồng ông mở lấy kế sinh nhai, ý định mua chiếc mỏ neo to đuềnh đoàng này về để làm... vật trang trí ở quán ăn, như là một chiêu PR hoàn hảo để khách một lần vào sẽ không thể quên được nhà hàng mỏ neo.

Kết cấu của chiếc mỏ neo hai ngạnh.

Lớp thừng thít chặt đến độ, không có chiều mở ra.

Cháu nội của ông Địch bên cổ vật của ông nội.

Thế là ông Địch “rước” khúc củi mục kềnh càng ấy về, đặt ở giữa quán bia mà vợ chồng, con cái ông đang mưu sinh, bất chấp bà vợ nghiến răng nghiến lợi vì kiểu... đầu tư không giống ai của ông chồng trái khoáy.

    

Mọi chuyện tưởng đâu vào đấy. Bẵng đi mấy tháng, vào một ngày mùa đông cuối năm 1999, một người thanh niên nước da sạm đen và rắn rỏi tìm đến quán bia nhà ông. Anh thanh niên này cho biết, anh cũng có một chiếc mỏ neo gỗ to như thế, nhưng hình dáng kỳ lạ hơn: chỉ có một ngạnh.

Biết ông Địch là người “rước” chiếc mỏ neo khổng lồ về để làm... cảnh, anh này mới mạo muội đến đặt vấn đề với ông Địch, để khỏi tiếc cái công trục vớt rồi đem về... bán cho người ta nấu bếp lò.

Và, anh thanh niên này đã tìm đúng người. Lúc đầu, ông Địch nghĩ rằng, mỏ neo thì cái nào chả giống nhau, và nếu có to thế nào đi chăng nữa, chắc cũng chỉ suýt soát như cái mỏ neo mà ông đã tậu về mấy tháng trước. Nhưng đằng này, anh chàng thanh niên lạ mặt nhất mực khẳng định, “phải đến xem mới biết”.

Thế là ông Địch đến xem, ở mãi bãi sông Hồng đoạn Chèm. Xem xong rồi, ông không cầm lòng được. Và, ông phải lừa lúc vợ vắng nhà mới dám “mở két” để “rước” thêm về một... khúc củi.

Từ độ ấy đến nay, hơn chục năm trời hai chiếc mỏ neo khổng lồ trở thành một thành viên trong gia đình ông, kể cả khi ông giã từ nghề bia bọt, chuyển nhà về mạn Bồ Đề, ông rước theo hai chiếc mỏ neo theo mình, và thiết kế một khoảng không riêng trong căn nhà của mình và đặt nó trang trọng vào đó.

Chuyện sẽ không có gì xảy ra, nếu như không có mấy ông khách lạ trả ông Địch cả tỷ đồng để mua lại "khúc củi". Và, cũng vì không nghĩ người ta mua bỏ ngần ấy tiền để "mua củi" về chơi, ông Địch viết thư gửi sang một chuyên gia lịch sử có tên tuổi...

Những nhà nghiên cứu nước ngoài vào cuộc. Cuộc "tranh cãi" bắt đầu!

(Còn tiếp)

Theo Theo Vietnamnet