Khu bảo tồn Tiền Hải có nguy cơ bị xóa sổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình nói gì?

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, cho biết, từ khi xác lập năm 2014, Khu rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải (gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) không đáp ứng kỳ vọng về phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong khi tỉnh đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế -xã hội nên chuyển mục đích sử dụng.

Thưa ông, vì sao Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải lại thu hẹp diện tích từ 12.500ha theo quyết định 2159 năm 2014 xuống còn 1.320ha theo Quyết định 731 vừa được UBND tỉnh Thái Bình ban hành?

Là tỉnh ven biển, Thái Bình thường xuyên đối mặt với bão gió nên việc trồng rừng được Thái Bình đặc biệt quan tâm, thực hiện rất tốt, minh chứng là diện tích rừng của Thái Bình hiện nay xấp xỉ 4.300ha, tăng gần 600ha so với năm 2015.

Thái Bình cũng xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại Thái Thụy theo Luật Đa dạng sinh học với diện tích 6.560ha. Thực tế rừng và khu Bảo tồn thiên nhiên Thái Bình phát huy tác dụng tốt trong việc bảo vệ hệ thống đê biển ở Thái Bình, giữ gìn môi trường, sinh thái biển, tạo sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình khai hoang lấn biển, mỗi thời kỳ lại có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn. Những năm qua, lượng phù sa từ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình ít, không được như mong muốn cùng nhiều thiên tai khác nên quan điểm khai thác rừng phải phù hợp với thực tế.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị thu hẹp đến gần 90% diện tích Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

Năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2159 xác lập vùng rừng đặc dụng ở 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải, gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tên gọi như thế nhưng bản chất là rừng đặc dụng, cơ sở pháp lý là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các nghị định dưới luật. Diện tích khi đó là 12.500ha, trong đó có 1.450ha rừng. Nguyện vọng khi xác lập là phủ kín rừng nhưng đến nay tổng diện tích rừng chỉ còn gần 1.000ha, đặc điểm rừng thưa thớt, nhỏ lẻ phân tán, có thể gọi là rừng nghèo, tính đa dạng sinh học không được như kỳ vọng ban đầu.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình. Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

Cùng với đó, Thái Bình xuất hiện các điều kiện để phát triển kinh tế -xã hội như việc xây dựng tuyến đường ven biển kết nối Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vì vậy, ngày 28/11/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1486 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050 với diện tích tự nhiên 30.583ha, gồm 30 xã và một thị trấn, trong đó chồng lấn rất nhiều diện tích khu rừng đặc dụng ven biển 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú.

Khu đô thị Cồn Vành - Cồn Thủ dự kiến hơn 34 nghìn dân

Ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (gọi tắt Khu đô thị). Trong đó xác định, Khu đô thị nằm trên địa bàn các xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Đây cũng chính là nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Về tính chất, đây sẽ là khu phức hợp, khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng đa chức năng mang bản sắc khu du lịch sinh thái ven biển, gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái và các tiện ích, dịch vụ, thương mại, sân golf, du lịch tâm linh. Các phân khu chức năng cụ thể gồm khu vui chơi giải trí có thưởng và khách sạn nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái tâm linh, khu công viên vui chơi giải trí, khu sân golf và khu đô thị, du lịch, dịch vụ.

Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ tại Quyết định 1486 là UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng khu Kinh tế Thái Bình.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thái Bình điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng bằng Quyết định 600 ngày 28/3/2023, sau đó ban hành Quyết định 731 của UBND tỉnh xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với quy mô 1.320ha để tránh chồng lấn với quy hoạch khu Kinh tế Thái Bình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vậy theo Quyết định 731, diện tích rừng đặc dụng bị loại ra khỏi khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là bao nhiêu? Việc Thái Bình chuyển đổi quy hoạch hàng trăm héc-ta rừng có vi phạm điều 20 của Luật Lâm nghiệp (quy định, việc chuyển đổi từ 50ha rừng đặc dụng trở lên phải được Quốc hội thông qua)?

Hiện nay, diện tích rừng trong Khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh là hơn 989,37ha. Diện tích còn lại theo Quyết định 731 là 632ha. Như vậy, diện tích rừng đặc dụng bị chuyển đổi khoảng hơn 350ha. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, diện tích này vẫn còn nguyên trạng, chưa bị chuyển đổi và đang được quản lý theo Luật Lâm nghiệp. Nếu chuyển đổi sang làm dự án sẽ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật.

Có phải phần còn lại của khu Bảo tồn (ngoài 1.320ha) sẽ chuyển đổi sang phục vụ dự án khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ không? Việc bao quanh khu bảo tồn là khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng có tác động đến hệ sinh thái còn lại của Khu bảo tồn?

Diện tích chuyển đổi một phần để thực hiện dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, ngoài ra còn để phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác. Khu vực đất ngập nước có thể phục vụ các dự án điện gió. Các dự án này cũng quy định có một khoảng cách nhất định với Khu bảo tồn.

Cảm ơn ông

Quốc tế đầu tư nhiều dự án bảo tồn rừng ngập mặn Thái Bình

Theo các chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học, nhiều dự án do quốc tế tài trợ đã được thực hiện nhằm bảo tồn rừng ngập mặn Thái Bình, trong đó có dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Thái Bình” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký quyết định phê duyệt dự án vào năm 2015. Dự án nhằm phục hồi, trồng mới và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ven biển tỉnh Thái Bình. Nâng cao nhận thức và năng lực về phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Một dự án khác là “Bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng”, sử dụng nguồn vốn ODA 30 triệu Euro, Chính phủ Việt Nam đối ứng 10 triệu Euro, với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển 4 tỉnh gồm Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng.