> Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản
thuộc hải phận Việt Nam. Mũi tàu trong ảnh là tàu đánh bắt
xa bờ Quảng Ngãi. Ảnh: Nam Cường.
Bắt giam, đánh đập và cướp
Thời điểm này, trọn một năm tàu cá QNg 50362 của gia đình ngư dân Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận, Bình Châu - Bình Sơn - Quảng Ngãi) bị phía Trung Quốc bắt lần thứ 4. Tháng 5 năm ngoái, lần bắt thứ 4 khiến gia đình ông sạt nghiệp, không thể gượng dậy. “Hai lần bị tịch thu tàu, hai lần bị cướp sạch tài sản, giờ đây, chúng tôi không thể phục hồi, đành đi làm tàu bạn, chờ thời đóng tàu mới”.
10 giờ sáng ngày 23-3-2010, tàu kiểm ngư 309 của Trung Quốc xáp vô tàu ông Là, lăm lăm súng lùa ngư dân lên mũi tàu, bắt cúi mặt xuống. Sau đó cướp sạch, từ cá, mực đến lưới, máy Icom, quần áo, điện thoại. Thời gian 39 ngày bị giam ở đảo Phú Lâm thì 6 lần ông bị gọi lên tra khảo.
“Lần hỏi đầu tiên là sau một ngày bị bắt, họ gọi tôi lên hỏi gia cảnh, rồi hỏi nhà nước có cấp dầu, tiền cho các ông đi không. Sau đó cho về. Đến lần thứ 2, họ kêu lên rồi chìa giấy phạt 70 ngàn nhân dân tệ, rồi lại đưa xuống trại giam. Năm ngày sau họ lại kêu xuống tàu kiểm ngư, bắt tôi điện về nhà kêu chuẩn bị tiền phạt. Tui gọi điện xong rồi nói rằng bọn tui nghèo lắm, không có tiền phạt.
Rồi bẵng đi 20 ngày, họ lại gọi tôi lên tàu kiểm ngư, bị 3 người xông vào đánh túi bụi. Người khỏe như tui cũng chỉ trụ được 10 phút là chẳng còn biết trời đất gì nữa. Thấy tui ngất, họ đưa ra xe, chở về quẳng vào trại giam. Lạ là ngay ngày hôm sau, họ lại gọi tui lên nữa. Tui vừa bị đánh trào máu mồm, muốn nghỉ cũng không được, đành nhờ con là Tiêu Viết Linh cùng thằng Lưu (anh Mai Phụng Lưu) dìu đi”.
Mai Phụng Lưu, thuyền trưởng nổi tiếng với biệt danh sói biển đã 5 lần bị Trung Quốc bắt giữ. Mai Phụng Lưu trở nên quen mặt với tàu kiểm ngư Trung Quốc và các sĩ quan trên đảo Phú Lâm, đến nỗi, họ biết cách đánh thế nào để anh thấm đòn nhất.
chủ quyền Việt Nam.
Khoan dung và khảng khái
Sói biển Mai Phụng Lưu giờ đã không còn là thuyền trưởng oai hùng, nhưng cách chọn thuyền đi bạn của anh cũng rất đặc biệt. Chị Phạm Thị Đợi, vợ anh nói: Trước anh đi lặn hải sâm, tui nói anh trở về nghề cũ đi. Nhưng anh không chịu, cứ phải là Hoàng Sa”.
Anh Lưu tâm sự: Tui đã không đi biển thì thôi, chứ đi là phải chọn thuyền đi ngư trường Hoàng Sa. Không phải mình không ngại tàu kiểm ngư Trung Quốc mà cái chính là mình phải ra đó, thứ nhất có nhiều cá, thứ hai để khẳng định ngư trường này là của mình.
Đại tá Ngô Duy Mười, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi, khẳng định: “Ứng xử của ngư dân khi bị bắt vô cùng quan trọng. Họ không thể cúi đầu, vì đó là chủ quyền của mình. Vấn đề này, trong những buổi tuyên truyền cho ngư dân, cán bộ biên phòng đặc biệt chú trọng. Ngư dân khẳng khái, dù biết rằng sau đó, họ gặp bất lợi. Về việc này, chúng tôi luôn tham mưu cho cấp cao hơn, một là đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, hai là có biện pháp hỗ trợ cần thiết, kịp thời”.
Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng), khẳng định: “Chúng ta bao dung với ngư dân Trung Quốc, không phải vì e sợ điều gì, mà ở đây, chúng ta không thể để mang tiếng, quân đội trấn áp ngư dân. Dù theo lý, rõ ràng ngư dân của họ ngang nhiên vi phạm, và có nhiều trường hợp hung hăng chống trả”.
Theo Trung tá Quỳnh, chỉ riêng tháng 4 vừa rồi, Hải đội 2 đã đẩy đuổi 20 lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập hải phận Đà Nẵng. Đặc biệt, nhiều tàu cá Trung Quốc tiến sâu vào biển Việt Nam, chỉ cách Sơn Trà 20 - 30 hải lý.
Bám biển giữ ngư trường
Bị lấn chiếm ngư trường, bị tấn công ngay trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc một cách trắng trợn, ngư dân Phú Yên vẫn quyết bám biển.
Ngư dân Trần Văn Tá, thuyền trưởng tàu cá PY 92709TS (phường 6 TP Tuy Hòa), kể: “Tôi cùng 5 tàu khác trong tổ tàu thuyền an toàn đến cách bán đảo Cam Ranh khoảng 105 hải lý về phía đông, thuộc vùng biển nước ta thì gặp 4 tàu Trung Quốc đang chong đèn khai thác mực. Phần lớn tàu Trung Quốc đều có công suất lớn, thỉnh thoảng có tàu hải giám theo bảo vệ”.
“Năm 2010, khi ngư dân mình liên tiếp bị bắt ở Hoàng Sa, thì ở Đà Nẵng, Hải đội 2 đã đẩy đuổi trên 1.000 lượt tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam.
Đặc biệt, chỉ tháng 1-2010 đã có trên 200 lượt tàu thuyền xâm nhập. Càng ngày ngư dân họ càng tiến sâu, hung hăng và liều lĩnh, đích thân tôi cùng anh em nhiều lần giải quyết. Quan điểm của chúng ta là chỉ đẩy đuổi, có lập biên bản, nhưng thả về, không tịch thu bất kỳ thứ gì” - Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng).
Theo thuyền trưởng tàu PY 92556, TS Nguyễn Tấn Hùng (phường Phú Đông, Tuy Hòa), gần đây, tàu hành nghề mành chụp mực của ngư dân Trung Quốc xuất hiện rất dày ở vùng biển của ta, kéo dài xuống tận các vĩ độ ở phía nam.
Cứ cách 6-7 hải lý lại thấy một tàu ngư dân Trung Quốc. Mỗi đoàn có khoảng 8-10 chiếc tàu, mỗi chiếc to gấp ba, bốn lần tàu mình. Trên biển có nhiều đoàn hành nghề chụp mực của Trung Quốc.
Mỗi tối, họ chong dàn đèn sáng khủng khiếp, ánh sáng mỗi tàu lan đến 10-15 hải lý, chụp sạch mực trong một vùng rộng lớn. Bởi vậy, tàu ngư dân VN ở gần đó không còn mực làm mồi để câu cá ngừ đại dương nữa. Nhưng đáng ngại nhất là sự hung hăng của các ngư dân Trung Quốc.
Ngư dân Huỳnh Văn Chùng, làm nghề câu bò gù gần hai mươi năm nay. Trước kia, anh Chùng thường đánh bắt từ 6030-180 vĩ Bắc. Nhưng bây giờ lên 130 độ vĩ Bắc gặp tàu nước ngoài, xuống dưới 90 độ vĩ Bắc cũng gặp tàu hải quân nước ngoài, đánh bắt ở khoảng giữa thì gặp nhiều tàu chụp mực Trung Quốc. “Tôi không hiểu tại sao họ xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác một cách ngang nhiên như thế” - anh Chùng nói.
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Huyền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, hơn 10 ngày qua, ngư dân Phú Yên phát hiện tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để khai thác hải sản. Trung bình mỗi ngày có 120-150 tàu, có những ngày phát hiện trên 200 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa.
Trước đây, việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từng xảy ra nhưng chưa bao giờ nhiều như những ngày vừa qua. Hành vi này gây khó khăn và đe dọa các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên.
“Bộ đội biên phòng Phú Yên đã đề nghị cấp trên sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này, hỗ trợ ngư dân Việt Nam làm ăn an toàn trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Với ngư dân, chúng tôi đề nghị củng cố lại hơn 100 tổ tàu thuyền an toàn chuyên đánh bắt xa bờ.
Các tàu phải liên kết lại trong quá trình khai thác để đoàn kết, hỗ trợ nhau. Qua hệ thống liên lạc trên biển, BĐBP Phú Yên thường xuyên đề nghị ngư dân cương quyết đấu tranh với tàu đánh cá nước ngoài để khẳng định chúng ta hành nghề ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia” - Đại tá Huyền nói.
Theo thống kê của BĐBP Quảng Ngãi, tính riêng trong năm 2009, phía Trung Quốc đã kiểm tra và bắt giữ 41 tàu cá, 498 ngư dân, tịch thu nhiều tài sản, xử phạt 360.000 nhân dân tệ đối với 6 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Ngày 29-9-2009, các tàu chiến của Trung Quốc bất chợt ùa ra quây chặt các ngư dân. Không thuyền nào chạy thoát. Trong ngày đó, Trung Quốc đã bắt giữ tổng cộng 19 tàu cá, 259 ngư dân, tịch thu tài sản trị giá 1,3 tỷ đồng.