GS Đào Trọng Thi nói: Theo tôi, đến thời điểm này mà nói tiến tới một kỳ thi quốc gia, hoặc gộp hai kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia… là những diễn đạt không chính xác. Bắt đầu từ năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH đã không còn là kỳ thi quốc gia, cho dù Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tổ chức thi ba chung.
Nó chỉ được gọi là kỳ thi quốc gia khi mà được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và mang tính chất bắt buộc – nghĩa là tất cả các trường ĐH, CĐ đều phải tham gia. Năm nay, tuy kỳ thi ba chung vẫn được tổ chức nhưng không bắt buộc, các trường có thể hoặc tham gia hoặc không. Như vậy, thực chất chỉ còn một kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Theo Luật GD ĐH, các trường ĐH được quyền tự chủ trong việc lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh: tổ chức thi, xét tuyển, kết hợp thi và xét. Như vậy, việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để làm căn cứ xét tuyển là do sự lựa chọn của từng trường, Bộ GD&ĐT không được bắt tất cả phải theo.
Thưa GS, vì sao một kỳ thi không thể thực hiện được hai chức năng?
Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng được làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến rồi đấy, họ bảo nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp.
Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh là không được, bởi Luật GD ĐH đã giao cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh rồi, Bộ GD&ĐT làm gì có thẩm quyền tổ chức thi, lại còn tổ chức nó thành một kỳ thi quốc gia!
Đặt mục tiêu phù hợp mới có giải pháp phù hợp. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và mục tiêu của nó là phải làm đúng với tên gọi. Nếu cố gắng được để có kết quả đáng tin cậy thì sẽ được các trường ĐH sử dụng.
Theo tôi, các trường ĐH của ta không yêu cầu quá cao về đầu vào thì họ sẽ sử dụng luôn kết quả đó, con số này ước chừng khoảng 80%. Khoảng 20% còn lại là những trường hoặc thuộc top trên có yêu cầu cao hơn về đầu vào, hoặc ngành nghề đào tạo có nét đặc thù thì họ sẽ phải tổ chức thi riêng, hoặc thi thêm.
Mục tiêu xét tốt nghiệp sẽ có nét khác biệt gì để khiến nó không thể đi cùng mục tiêu tuyển sinh ĐH, thưa giáo sư?
Điểm để xét tốt nghiệp phải ở ngưỡng trung bình, đề thi phải dễ ở mức độ phần lớn học sinh đạt ngưỡng đó.
Ví dụ với bốn môn thi, em phải đạt tối thiểu 20 điểm mới đỗ tốt nghiệp. Bài thi phải nhẹ nhàng để những em học trung bình cũng phải được điểm trung bình. Vậy thì bài thi đó không thể là căn cứ để tuyển sinh ĐH được. Muốn tuyển sinh ĐH thì phải ra đề khó hơn để phân loại được học sinh, để xác định em nào giỏi hơn em nào.
Thí sinh dự thi càng đông (và chất lượng thí sinh dự thi càng cao thì đề càng khó). Giờ mức độ đề tốt nghiệp của mình giúp 98% học sinh học xong lớp 12 đỗ, nếu ra một đề thi mà yêu cầu giống như thi ĐH thì khi xét tốt nghiệp có khi phải xét đỗ đến cả những em chỉ đạt điểm 1 điểm 2!
Có ý kiến cho rằng, trong một đề thi có thể ra câu này để xét tuyển sinh, ra câu kia để xét tốt nghiệp… Vậy hóa ra chúng ta tổ chức hai kỳ thi nhưng ngồi làm bài chung một buổi? Về nghiệp vụ sư phạm thì không làm thế được.
Vậy làm thế nào có được một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết quả đáng tin cậy để những trường ĐH không đặt yêu cầu cao trong tuyển sinh đầu vào có thể sử dụng làm kết quả tuyển sinh?
Muốn có kết quả đáng tin cậy thì trước hết nội dung đề thi phải giúp đánh giá đúng được năng lực của học sinh mà như tôi đã phân tích ở trên. Nhưng khái niệm “đáng tin cậy” trong xã hội ta còn phải hiểu thêm một ý nữa là không có tiêu cực. Nếu nó có tiêu cực, chẳng hạn học sinh quay cóp, học sinh biết đề trước… thì điểm thi không phản ánh đúng năng lực của các em.
Theo dư luận chung thì kỳ thi tuyển sinh ĐH theo phương thức ba chung mà Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức đáng tin cậy hơn, ít tiêu cực hơn, điểm thi phản ánh học lực của học sinh cũng trung thực hơn.
Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có thể nói là bị đánh giá rất không đáng tin cậy mà lý do chủ yếu là các khâu tổ chức thi, chấm thi làm chưa tốt. Việc tổ chức bốn môn thi hay bốn bài thi mà vẫn những người đó coi thi, chấm thi thì rồi vẫn thế thôi…
Xu hướng đánh giá theo năng lực là con đường ta phải theo, nhưng cách thức tổ chức thi sẽ phải khác. Ta phải xây dựng được một ngân hàng đề thi với những đề thi đã được chuẩn hóa để dẫu có hai em làm hai bài thi khác nhau thì vẫn so sánh được điểm thi của các em với nhau.
Và quan trọng là việc làm bài thi của thí sinh chủ yếu thực hiện trên máy tính. Khi đó chúng ta không cần phải sử dụng đông đảo đội ngũ các thầy cô giáo ở các trường phổ thông coi thi chấm thi, thay vào đó bộ phận chuyên gia điều hành máy tính trong các trung tâm khảo thí. Việc đánh giá, cho điểm học sinh được tự động hóa để đảm bảo đánh giá trung thực, khách quan.
Nếu vậy, kỳ thi sẽ không mang tính chất quốc gia, thậm chí còn không liên quan đến các nhà quản lí, bởi việc đánh giá được thực hiện bởi các cơ quan khảo thí độc lập. Thứ hai, kỳ thi có thể tổ chức rải rác trong năm chứ không dồn vào một thời điểm như hiện nay.
Những điều tôi trao đổi ở đây đã được thể hiện trong một đề án mà ĐH Quốc gia Hà Nội dự thảo mà tôi cũng từng trực tiếp tham gia xây dựng khi còn làm Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Cũng theo đề xuất của dự thảo đề án của ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả thi của học sinh được bảo lưu trong 3 năm. Khi học sinh thấy mình đã chuẩn bị tốt nhất rồi thì đến trung tâm làm bài thi, thi xong thì nhận được phiếu xác nhận kết quả làm bài. Các em có thể sử dụng luôn kết quả đó, hoặc nếu muốn thì có thể thi lại để được kết quả tốt hơn.
Cách làm này học tập mô hình thi SAT của Mỹ và tôi thấy chỉ có làm được như vậy mới có thể nói đến kết quả ấy tin cậy, công bằng và khách quan.
Cảm ơn giáo sư!
Theo GS Đào Trọng Thi, sang năm và cả 3-4 năm tiếp theo thì nên tổ chức thi như năm nay, đồng thời cố gắng cải tiến để làm sao có thể nâng cao được chất lượng kỳ thi càng nhiều càng tốt.