Không giống ai!

TP - Cuối tuần qua, tại Hội nghị ngành Kế hoạch & Đầu tư toàn quốc, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đều cho thấy phải dứt khoát thay đổi cách tính GDP như từ trước tới nay.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu bật mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu, trong khi các tỉnh thành đều báo cáo con số tăng trưởng lên tới 9-10% thậm chí 15%, song GDP cả nước lại chỉ đạt 5-7%. 


“Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay đã có từ lâu và kéo dài đến hôm nay khi chúng ta chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cách tính này giờ không còn phù hợp nữa và không sát với thực tế. So với quốc tế thì ta không giống ai, trong khi đất nước chúng ta đã ngày càng hội nhập” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. 

Đúng là cách tính GDP ở các địa phương lâu nay chả giống ai ! Một hạt gạo có khi mấy địa phương cùng tính, nơi sản xuất tính lần 1, tới nơi xuất khẩu ở địa phương khác vẫn hạt gạo đó lại được tính lần 2. 

Theo Bộ trưởng Vinh, tình trạng “tính trùng, tăng trưởng ảo” xảy ra khá phổ biến, các địa phương cứ thế đua nhau chạy theo con số tăng trưởng ảo rồi đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ, rồi phấn đấu đủ thứ chuyện... như thế là không đúng. Trong khi quốc tế người ta nhìn mình rất lạ ! 

Suy cho cùng vấn đề “tăng trưởng ảo” nói trên vẫn có căn nguyên từ “bệnh thành tích” mà ra. Trên thực tế, căn bệnh trầm kha mang tên thành tích đã lây lan khắp nơi, xâm nhập vào mọi lĩnh vực trong xã hội ta. 

Cách đây nhiều năm, ngành giáo dục từng phát động phong trào “nói không với bệnh thành tích”, song đến nay kết quả thi tốt nghiệp THPT trên cả nước không giảm mà còn tăng sát ngưỡng không tưởng – 99,02%. 

Chưa có thời nào mà tỷ lệ học sinh giỏi cao như hiện nay, có lớp tiểu học 100% học sinh đạt loại giỏi. Ông tổ trưởng dân phố nơi tôi ở than : “Quỹ khuyến học của phường thiếu hụt nghiêm trọng, bởi số lượng học sinh giỏi trong phường tăng chóng mặt. Không hiểu sao bây giờ lắm học sinh giỏi thế !”. 

Như thế, chúng ta đâu chỉ “không giống ai” trong cách tính GDP, mà còn không giống ai trong nhiều thứ khác. Không chỉ riêng GDP hay giáo dục, số liệu ở nhiều lĩnh vực khác cũng khó mà chính xác và trung thực như nó cần phải có. Những con số tròn trịa, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước vốn đã trở nên quen thuộc trong không ít các báo cáo tổng kết cuối năm.

Khỏi cần phân tích tác hại của cái sự “không giống ai”, một khi cứ mải mê chạy theo thành tích ảo, mải mê lập kế hoạch, dự toán với những con số ảo. Nguy hại hơn, một khi não trạng của những người viết báo cáo quen với việc tô hồng con số, chạy theo thành tích, họ sẽ quen với việc nói dối và không biết nói thật, sự giả dối sẽ lên ngôi, mối nguy hại sẽ lớn biết chừng nào !