Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trở thành “đặc sản” của Hà Nội

TPO - Kết quả thống kê sau 10 tháng thí điểm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cho thấy, không gian đi bộ đã thu hút được lượng du khách và người dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ổn định mỗi dịp cuối tuần, không gian dần trở thành “đặc sản” văn hoá của Thủ đô.  

Sau 10 tháng triển khai thực hiện thí điểm (từ ngày 1/9/2016 đến ngày 30/6/2017), Ban chỉ đạo (BCĐ) tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã hoàn tất báo cáo kết quả trong thời gian thí điểm, đồng thời đưa ra những đề xuất điều chỉnh trình Thành phố xem xét, phê duyệt không gian đi bộ trở thành hoạt động văn hoá chính thức vào những ngày cuối tuần. 

Báo cáo của BCĐ cho biết, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã gắn với không gian đi bộ trong Khu phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội, dần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô. 

Không gian đi bộ trở thành vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt) góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thành phố.  

Lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tham gia trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và Thành phố tiếp tục tăng cao. Số lượng cửa hàng kinh doanh mới và chuyển mục đích kinh doanh phục vụ cho dịch vụ và du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tăng 268 cửa hàng. 

Các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm ngày càng phong phú và có chất lượng cao hơn, thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức  thường xuyên tại các điểm như: Trình diễn độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ dân tộc, đàn Bầu, sáo, nhị, tam thập lục… (tại Nhà Bát Giác); Biểu diễn đàn ca tài tử, ca vọng cổ, chèo (đối diện Đền Bà Kiệu); Biểu diễn hát xẩm, ca trù, chầu văn (tại tượng đài Vua Lê); biểu diễn nghệ thuật đương đại tại trước cửa Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, khu vực Đồng hồ Thụy Sỹ. 

Biểu diễn các trích đoạn hài kịch chọn lọc tại sảnh Rạp Công Nhân, Hoạt náo rối lùn tại sảnh Nhà hát Múa rối Thăng Long; trình diễn ảo thuật, đi cà kheo, thổi bóng nghệ thuật, xiếc, tạp kỹ tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục; trò chơi dân gian (tại khu vực Tượng đài Cảm tử); hoạt động trình diễn hoạt động thư pháp, vẽ chân dung cạnh đền Bà Kiệu; tổ chức 10 quầy sách trên tuyến phố Lê Thạch. 

Nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận đánh giá cao như: chương trình hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra trong chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2017; hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và Triển lãm hoa Anh đào tại Hà Nội năm 2017; “Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội 2017 - Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; Nhóm nghệ sỹ Thụy Sỹ biểu diễn kèn và tung hứng cơ… 

Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và mỹ quan không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, trong 10 tháng thí điểm, BCĐ đã tổ chức 23 chốt trực an ninh bên trong và bên ngoài tại các điểm ra vào không gian đi bộ đảm bảo theo đúng phương án, các lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. 

Trong 10 tháng tổ chức đã kiểm tra xử lý 3.191 trường hợp vi phạm TTĐT- TTATGT-VSMT; Xử phạt 465 lượt trông giữ phương tiện trái phép và thu quá giá quy định; 1.408 trường hợp bán hàng rong; 22 trường hợp chèo kéo khách du lịch; 424 trường hợp cho thuê xe điện cân bằng thu giữ 403 đôi pa tanh và xe điện cân bằng; Xóa bỏ 69 hộ kinh doanh không có cửa hàng lấn chiếm hè phố để kinh doanh; tháo dỡ 56 mái vẩy, mái che, biển quảng cáo gây mất mỹ quan. 

BCĐ bố trí 3 điểm tập kết xe điện tại điểm đỗ xe Phùng Hưng, điểm đỗ xe Bãi đá, điểm đỗ xe Trần Khánh Dư để kết nối với điểm tập kết trung tâm tại đường đôi Đinh Tiên Hoàng. Triển khai và duy trì tốt 89 điểm trông giữ xe ô tô, xe đạp xe máy xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó có 27 điểm trông giữ phương tiện do Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội và Đoàn Thanh niên Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đảm nhận từ tháng 9/2016. 

Bên cạnh kết quả đã đạt được, BCĐ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ; hiện tượng xe ô tô, xe máy, taxi dừng, đỗ trước và sau hàng rào an ninh các chốt ra vào. Đặc biệt, tại phố Cầu Gỗ- đầu phố Đinh Liệt - Hàng Đào- Hàng Gai thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ. 

Chưa chuyển đổi mặt hàng kinh doanh của các cửa hàng bán va li, ba lô, túi xách tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lò Sũ gây mất mỹ quan đô thị; Việc bố trí các quầy hàng kết hợp quầy xe chuyên dụng bán các mặt hàng như đồ lưu niệm, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, bánh mì, nước trái cây, cafe, hoa còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. 

Tình trạng vứt rác tùy tiện tại các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè các tuyến phố xung quanh hồ và các cửa hàng kem chưa được giải quyết triệt để. Các nhà WC công cộng bố trí trong khu vực đi bộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách trong những ngày lễ, tết và các ngày có sự kiện văn hóa đặc biệt…