Không dừng lại

TP - Hôm nay 10 tháng giêng, là ngày vía Thần tài. Là sang ngày thứ 5 Hải Dương cách ly xã hội. Là ngày sinh của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ “Cuộc chia ly màu đỏ”, ngày mất của Mikhail Sholokhov “Sông Đông êm đềm”, “Số phận một con người”,...

Thần Tài giờ đã là ông thần của “kinh tế thị trường”, của chứng khoán, của bitcoin, kinh tế số. Chứ không chỉ còn là ông thần của các cửa tiệm, quầy bán buôn tại gia kinh điển kiểu người Á Đông. Nhưng rồi dù gì, tiền vẫn là tiền.

Dù gì, đời sống vẫn tiếp diễn, không dừng lại. Mặc tâm thế con người giờ đây đôi lúc như thấy nó còn “chậm hơn sự dừng lại”. Như thời khắc người dân tại nhiều nơi trên nước Mỹ bị “đóng băng” trong tuyết lạnh lịch sử chưa từng có suốt nhiều thập niên qua. Như thế giới và con người khắp hành tinh vẫn bị cắt rời khỏi nhau, vẫn trực tuyến, gặp mặt ảo. Dù đã mấy tuần qua các ca bệnh Covid trên toàn cầu có xu hướng giảm, người chết giảm, thắp lên niềm hy vọng vào sự dừng lại chậm lại mức độ bạo tàn của ôn dịch. 

Cái tát trên bục giảng mà cậu học trò dành cho cô giáo kể cả một ngàn năm nữa vẫn sẽ gây sốc, nhức nhối lương tri. Với bất cứ quốc gia hay nền văn minh nào. Nhưng những ngày qua, khi gạch đá trên mạng xã hội thi nhau trút xuống cậu bé lớp 8 đã có hành vi ấy, thì tôi nghĩ nhiều người Việt vẫn còn đeo nặng tư duy của cả ngàn năm về trước. Chúng ta vẫn thói quen quy nạp vội vã, đơn giản một chiều, làm sao để cho vừa khít với cái “khuôn” tư duy/đạo đức mình cho là chuẩn là đúng. Nên thường xảy ra lối tư duy đám đông “lên đồng tập thể” đầy võ đoán, thiên kiến kiểu làng xã. Mà ít xem xét sâu sắc tới cái cá thể cụ thể, vốn là hạt nhân đôi khi là duy nhất tạo ra hoàn cảnh câu chuyện ấy.   

“Cái tát” cũng vừa được gã công nghệ khổng lồ vung ra với một thể chế quốc gia, cũng như là lời cảnh báo với toàn cầu. Nhưng khi thấy tiền chỉ là tiền, thì nội hàm của động thái trên, đã đi ngược lại nguyên lý văn minh cơ bản của nhân loại. Đó là hạn chế và ngăn cản quyền thông tin và tiếp nhận thông tin. Tiền có thể giải quyết bằng tiền. Nhưng quyền được văn minh thì không phải chỉ trả bằng tiền.

Không khó để thấy rằng, đến lúc mọi đế chế, kể cả những đế chế công nghệ hùng mạnh đến đâu, cũng không thể đi ngược lại bước tiến loài người. Để tránh khỏi suy tàn, tự diệt vong. Để không dừng lại.   

Grigori, chiến binh Cô dắc một đời phiêu bạt trên lưng ngựa cuối cùng rời bỏ toán tàn binh thổ phỉ, ném hết súng đạn xuống sông Đông để trở về. Trong mất mát, đắng cay vô cùng tận mà hầu hết do chính chàng tự hủy hoại. Tất cả đều đã chết, vì chàng, duy nhất chỉ còn đứa con trai nhỏ bé đón đợi. Nhưng đó đang là mùa xuân, tuyết tan bên bờ sông Đông, vào mùa cày bừa gieo hạt. Tuyết tan, mọi thứ cũng dần tan đi như tuyết. Vẫn phải trở về, dù hình phạt về sự lầm đường sẽ hết sức nặng nề. Sholokhov với những trang viết ngổn ngang chất ngất nỗi buồn đau, chua chát, mất mát, của chiến tranh, của đời sống, thân phận, nhưng con người trong ấy vẫn không nguôi niềm hy vọng.  

Hy vọng, là khi đời sống vẫn tiếp diễn, không dừng lại.