Khóc ròng vì lũ khiến thóc mọc mầm, gạo hóa bột

TP - Lũ rút nhưng bùn vẫn bao phủ những thùng gạo, bì thóc. Trong thùng sấy lúa đầy ắp, mạ non đã mọc lên cao bằng ngón tay, còn trong bao, gạo ngấm nước lâu ngày đang biến thành bột. 

Thiệt hại

Ông Hoàng Đức Chinh (thôn Quảng Xã, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhẩm tính, với 35 tấn lúa bị ngập, gia đình 4 người gồm 2 con đang học cấp 3 của ông bị thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Đứng bên lò sấy lúa cùng những bao thóc chìm dưới nước, ông nói: “Trận lũ lịch sử chưa bao giờ có, nhà đang cho 4 tấn vào máy, đang sấy thì bị lũ về nên ngập hết, mạ mọc lên cao bằng ngón tay còn số lúa trong bao cũng chìm dưới nước cùng với 2 máy cày. Chúng tôi là nông dân, chỉ trông chờ vào lúa nhưng giờ mất hết”.

Sống gần đó, bà Hoàng Kim Tuyến nói: “Hại mất 15 tấn lúa, giờ biết làm răng? Muốn đưa đi sấy nhưng đường không thông và cũng không phơi được vì nay mai lại có bão về. Gạo nhà vừa xay ra, chất lên cao tưởng nước không lên nhưng vẫn bị ngập. Gạo bị ngấm nước, dính sình là vứt và giờ chỉ mong có ai mua về làm thức ăn chăn nuôi, bán rẻ cũng được. Chưa có năm ri như nay, thiệt hại quá lớn. Nhà chị 5 người vốn khó khăn, giờ vay ngân hàng mua lúa và bị lũ thế này, không biết trả lãi thế nào?”.

Thôn Quảng Xã thuộc xã Vĩnh Lâm (xã năm nào cũng lụt) hiện vẫn là nơi chịu ảnh hưởng rất nặng với 1.200 hộ có sàn nhà ngập sâu từ 50cm tới 1,5m. Người dân nơi đây cho biết, họ lấy mốc lũ lịch sử năm 1999 để xây nền nhà cao hơn 20cm nhưng năm nay, lũ vượt mọi kỷ lục. Những người già khẳng định, chưa bao giờ làng quê họ chịu con nước lớn như bây giờ.

Sáng 21/10, nước đã rút khoảng 1m, người dân bắt đầu chuyển đồ đạc, thống kê thiệt hại. Gia đình chị Hoàng Thị Nhàn chuyển 11 con lợn từ gác xép xuống chuồng. Chị nói: “Nhà cũng làm chuồng kiểu nhà sàn nhưng nước lên nhanh trong đêm 17, chạy không kịp khiến 2 con bị cuốn. Số còn lại phải cho lên gác xép và người với heo cùng ở”. Ở cùng thôn, trang trại chim cút của bà Lê Thị Hoa bị nước lũ làm chết hơn 5.000 con trị giá khoảng 150 triệu đồng. “Và còn đang chết tiếp bởi nó ẩm ướt, không có điện sưởi”, bà than.

 “Nhiều gia đình khác cũng bị thiệt hại nghiêm trọng về lúa, hoa màu, vật nuôi. Lúa chất hàng bao bị ngập hết, tôm cá trong đầm mất sạch”, Trưởng thôn Quang Xá, ông Nguyễn Quang Lý, cho biết. Theo ông, dù khó khăn nhưng người dân vẫn tham gia đội tình nguyện của thôn, họ phân phát quà cứu trợ, nấu cơm chia cho từng nhà, nhất là những hộ khó khăn, chính sách... Những người dân bị dòng lũ cuốn đi cả gia tài vẫn kiên quyết không nhận quá số quà cứu trợ mình được chia, họ còn bỏ thêm tiền đóng góp cho hoạt động chung của thôn.

Ðùm bọc

Anh Trần Đình Hoan, một thành viên nhóm tình nguyện, cho biết, anh vừa trải qua phẫu thuật mổ van tim nhưng nhà có thuyền nên đứng ra giúp bà con. Anh phải nuôi 3 con nhỏ đang đi học và gia đình cũng bị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng khi nước lũ làm hỏng lúa, cuốn trôi gia cầm cùng ao tôm. Tuy vậy, anh vẫn tự bỏ tiền mua xăng dầu, chạy thuyền chở hàng cứu trợ cho hơn 300 hộ dân trong thôn. Ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm, cho biết rất vui khi bà con giữ được tinh thần đùm bọc lẫn nhau đồng thời được nhiều nơi khác hỗ trợ. Ông Dũng nói: “Trước mắt, hỗ trợ đồ ăn uống rất cần thiết nhưng khi nước rút, người dân cần nhất được trợ giúp sinh kế. Có thể cho họ cây con giống hoặc tiền để họ sản xuất. Nước to còn được hỗ trợ ăn uống nhưng khi nước rút, chắc chắn sẽ khó khăn”.

Cũng ở Vĩnh Linh, thôn Phúc Lâm (xã Vĩnh Long) nằm bên sông Sa Lung là một trong những địa điểm bị nước lũ cô lập và phải di dời người dân trong đêm đến địa điểm an toàn. Ông Nguyễn Văn Hóa, công an viên và cũng là thành viên của đội cứu hộ trong thôn, cho biết, lũ đạt đỉnh vào ngày 18 và 19/10 với mực nước trong nhà dân sâu nhất gần 2m, mọi phương tiện giao thông không thể tiếp cận. “Nhiều nhà thóc bị ướt giờ đã mọc mầm còn ruộng lúa và hoa màu bị lũ ngâm nhiều ngày nên thiệt hại hoàn toàn”, ông Hóa nói.

Đến trưa 21/10, nước lũ tạm rút nhưng mọi con đường liên thôn Phúc Lâm vẫn ngập sâu, do đó đoàn cứu trợ của một nhóm bạn trẻ đến từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải vận chuyển gạo, mì tôm, nước lọc... bằng xuồng đến từng nhà trong thôn. “Thực sự Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung đang cần thêm nhiều tấm lòng hảo tâm nữa, bà con vùng lũ thiếu thốn quá. Lúc tôi chèo ghe vào nhà một mế (mẹ), nhà vẫn ngập quá đầu gối. Mình tặng gạo, mế xắn quần lội nước ra tận cổng ôm tôi rồi khóc quá trời luôn”, anh Sơn, thành viên trong đoàn, xúc động kể.

Cụ Phạm Thị Em (80 tuổi, người trong thôn) vừa móm mém nhai trầu vừa đặt thùng mì được tặng xuống chiếc giường vẫn còn dính đầy bùn. Cụ cùng chồng vừa về nhà vì trước đó cả gia đình được chính quyền đưa tới nơi an toàn trong đêm trước dòng nước lũ quá cao. Cụ nói: “Sống gần đời người nhưng giờ tôi mới biết con lũ dữ và nhanh nó như thế nào.