Khoảng tối sau văn bản

TP - Công bằng mà nói, bất cứ ngành nghề nào cũng luôn có những khoảng tối trong làm ăn, kinh doanh cũng như cấp phép, chỉ có một vài người biết với nhau. Thương trường là đấu trường, chính vì vậy, cũng không hiếm trường hợp vì cạnh tranh gói thầu này, dự án kia, các doanh nghiệp sẵn sàng lật đổ, tố cáo nhau bằng đủ mọi hình thức để loại bớt đối thủ.

Trong ngành y tế nói riêng, các ngành nghề khác nói chung, việc chung chi hoa hồng cho các gói đấu thầu, mua sắm công cũng như việc xét công dụng của các sản phẩm để đưa vào chương trình này, dự án kia… là những “bí mật” mà không phải ai cũng có đủ thẩm quyền hay đủ thông tin để được tiếp cận một cách minh bạch nhất. Với ngành dược, hiếm người hiểu được tường tận những góc khuất trong phê duyệt, kiểm định… Những bí mật này liên quan đến những nghi vấn về hoa hồng, tiêu cực, luôn bị những người quan tâm đến nó tìm mọi cách che giấu và chỉ phát lộ khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Dịch COVID-19 kéo dài suốt từ cuối năm 2019 đến nay, đưa ngành y tế thành tâm điểm chú ý. Phải thừa nhận thực tế rằng, đa số các lãnh đạo, cơ quan của ngành y; cán bộ, y bác sỹ đã và đang dốc sức cho chống dịch rất đáng trân trọng. Bên cạnh đó nhiều người làm việc trong lĩnh vực từ dược phẩm, hóa chất đến trang thiết bị y tế, dịch cũng là cơ hội làm ăn lớn của họ khi nhu cầu về điều trị, dự phòng liên tục tăng cao.

Thực tế, có thêm thuốc điều trị sẽ là tin vui với người dân, người bệnh. Nhưng cơ quan quản lý lại đưa các loại thuốc đông y chưa từng được kiểm nghiệm công năng điều trị COVID-19, thậm chí còn đề nghị các đơn vị sử dụng chúng, ví như viên nang cứng Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương (sản phẩm chưa được công bố) để điều trị bệnh nhân Covid-19 là điều chưa từng xảy ra trên phạm vi toàn thế giới; mới chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Quyết định này của cơ quan quản lý đồng nghĩa với việc biến những người bệnh F0, F1 thành "vật thí nghiệm" miễn phí cho một sản phẩm chưa rõ công năng, bỏ qua mọi quy chuẩn an toàn y tế mà không có quốc gia nào có thể chấp nhận.

Dù chỉ có vòng đời 2 ngày song tác dụng của văn bản “khuyến nghị vàng” của Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã khiến giá bán sản phẩm phi mã không khác gì thời điểm chứng khoán Việt Nam leo đỉnh trong năm 2020. Sản phẩm đội giá khủng, người mua méo mặt còn doanh nghiệp thì đương nhiên ung dung hưởng lợi.

Công sức của hàng chục nghìn cán bộ ngành y tế, các bác sĩ với những gương mặt hằn sâu vệt khẩu trang sau những ngày, những tháng miệt mài chống dịch đến kiệt sức để chăm sóc, điều trị, cứu chữa bệnh nhân, trong gần 2 năm qua luôn được người dân ghi nhận.

Tuy nhiên, việc Bộ Y tế chỉ ra một văn bản thu hồi, “xí xóa” việc ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, ký văn bản bất thường, duyệt danh sách 12 loại thuốc cổ truyền và sản phẩm dược liệu phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 sẽ được làm sáng tỏ nếu cơ quan chức năng vào cuộc. Những lời giải thích đàng hoàng, minh bạch và thậm chí xử lý kỷ luật (nếu có) sẽ giúp người dân tiếp tục vững tin vào ngành y tế nước nhà nhất là khi người dân và nền kinh tế đang chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh.