Vận hành liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du miền Trung:

Khó dự báo chính xác, các chủ tịch tỉnh lo lắng

TP - Vận hành liên hồ chứa thủy điện cách nào hợp lý để thực sự giảm lũ cho hạ du các tỉnh miền Trung là câu hỏi khó có lời đáp thỏa đáng.

Hậu quả của lũ ở hạ du Quảng Nam. Ảnh: Việt Hương

Tọa đàm về nội dung trên với sự tham gia của đại diện các Bộ TN&MT, Công Thương, NN& PTNT, lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên (MT-TN) và các chủ hồ thủy điện diễn ra hôm qua (31/10) tại Quy Nhơn (Bình Định). Tọa đàm do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư phối hợp với báo Lao Động và UBND tỉnh Bình Định tổ chức.


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành hàng loạt quy trình vận hành liên hồ chứa cho các hệ thống trong khu vực, bao gồm sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, Sê San, Srêpôk, Hương, Trà Khúc và Sông Kôn - Hà Thanh. Quy trình được phê duyệt và có hiệu lực từ quý II/2014 và thực thi ngay trong mùa mưa lũ năm nay. 


Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó GĐ Trung tâm PCLB khu vực MT-TN (Cục Quản lý đê điều và PCLB – Bộ NN&PTNT): Các quy trình mới nhằm đảm bảo nguyên tắc vận hành không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, cũng như phân trách nhiệm thẩm quyền quyết định vận hành hồ, chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du mùa mưa và bảo đảm nguồn nước cho mùa cạn... Trong đó Chủ tịch UBND các tỉnh đóng vai trò “nhạc trưởng”.

Điểm tựa mơ hồ 

Tại tọa đàm, chuyên gia thủy văn - GS.TS Hà Văn Khối chỉ ra những hạn chế hiện gây khó khăn cho việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa và gây ra nhiều tranh cãi. Đó là quy hoạch lưu vực sông chưa được nghiên cứu đầy đủ, các quy hoạch chuyên ngành chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành nên khi quy hoạch các hồ chứa dẫn đến những vấn đề phát sinh… Tổng lượng lũ của lưu vực sông miền Trung khá lớn so với dung tích phòng chống lũ của các hồ chứa nên hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du sẽ tùy thuộc vào đặc điểm mưa gây lũ trên các lưu vực. Kết quả dự báo lũ cực kỳ quan trọng cho việc ra quyết định vận hành các hồ chứa. Tuy nhiên, do đặc điểm hình thành lũ phức tạp, thiếu dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn nên việc dự báo lũ đến các lưu vực hồ chứa gặp nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Vạn Thắng - chuyên gia thủy lợi (Chi cục PCLB TP Đà Nẵng) phân tích: Quy trình vận hành thủy điện ở miền Trung đều dựa trên quy trình vận hành của thủy điện Hòa Bình và các thủy điện trên các sông lớn, nơi công tác dự báo đạt chính xác rất cao. Trong khi các hồ thủy điện miền Trung có đặc điểm rất khác đó là lưu vực sông nhỏ, ít trạm quan trắc và nằm ở vùng núi cao hiểm trở, độ dốc lớn, mức độ tập trung nước lớn khiến cho quá trình lũ khác xa. Lũ thường lên gần như dựng đứng, lưu lượng tăng đột biến trong thời gian ngắn, khó lường và khó dự báo, thậm chí có sự sai khác vô cùng lớn giữa dự báo và thực tế cả về thời gian lũ và thời điểm xuất hiện đỉnh lũ, lưu lượng lũ. Trong khi đó bản chất việc xây dựng quy trình vận hành là dựa vào dự báo. Do đó rất dễ lại xảy ra tình trạng “lũ chồng lũ”.

“Nhạc trưởng” lo lắng

Với quy trình mới về vận hành liên hồ chứa, thì Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ giữ vai trò “nhạc trưởng” trong mọi quyết định về giữ - xả nước các hồ thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa. Có những ý kiến thắc mắc, bày tỏ lo lắng khi đảm nhận nhiệm vụ này.

“Việc giao trách nhiệm cho Chủ tịch, Phó chủ tịch đảm nhận trách nhiệm này liệu có quá mạo hiểm, khi những gì chúng ta dựa vào chỉ là những dự đoán, dự báo chung chung, thiếu chính xác?”.

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự

Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam), ông Nguyễn Sự, băn khoăn: Việc giao trách nhiệm cho Chủ tịch, Phó chủ tịch đảm nhận trách nhiệm này liệu có quá mạo hiểm, khi những gì chúng ta dựa vào chỉ là những dự đoán, dự báo chung chung, thiếu chính xác ? Hơn nữa văn bản quy định 4 tiếng để cho các tỉnh xử lý, thông báo cho dân sẽ không kịp nhất là trong điều kiện lúc đó không đảm bảo, như mất điện, đi lại khó khăn. Nhưng khi thông báo cho dân dĩ nhiên người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, vậy hỏi các Chủ tịch, Phó chủ tịch ngồi đây có ai tự tin nhận không? 

Theo ông Sự, nếu chỉ Chủ tịch, Phó chủ tịch của mỗi tỉnh tự xử lý giải quyết ở địa phương mình rất dễ đến tình trạng “cát cứ”, làm bằng mọi cách chỉ vì lợi ích của mình. Do vậy cần có một trọng tài đứng ra và liên kết để thực hiện. Ông dẫn chứng thực tế người dân Hội An cũng như hàng nghìn dân ở những vùng hạ du đang phải đương đầu với lũ, với cách xử lý như hiện nay thì chính quyền không kịp trở tay, dân không kịp chạy. 

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng bày tỏ lo lắng trước vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Phòng chống thiên tai trong điều hành xả lũ. Tỉnh Bình Định đã tiến hành vận hành thử nghiệm. Ngay cả khi vận hành thử nghiệm trong điều kiện hoàn toàn đầy đủ vẫn gặp những vướng mắc. Hơn nữa điều hành lại dựa vào dự báo nhưng các thông tin địa phương nhận được cũng rất chung chung.