Từ thực tiễn chân thực
“Nhắn cho mình xin toàn bộ các bài báo trong tuyến bài: “Hóa giải nỗi sợ sai” và “Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế” mà Tiền Phong đã đăng tải nhé. Trong phiên thảo luận tại Quốc hội tới đây, mình dự định đề cập đến vấn đề này. Tình trạng sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm đang là vấn đề rất nghiêm trọng, cần phải có giải pháp tháo gỡ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội”, một đại biểu trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngay sau ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (ngày 22/5).
Một đại biểu chia sẻ với Tiền Phong rằng, việc báo chí và đại biểu “đồng thanh” nêu bật vấn đề cán bộ sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm vì lợi ích chung trong thời gian qua, đã tạo ra sự tương tác hiệu quả. Qua đó, không chỉ nêu thực trạng mà quan trọng hơn còn là hiến kế, đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Quốc hội có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này.
Bên lề kỳ họp, một đại biểu khác khi gặp phóng viên bày tỏ, những bài viết mà Tiền Phong đề cập đầy tính thời sự, “đúng” và “trúng” với thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. “Tới đây khi thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mình dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề này. Điều quan trọng hiện nay là phải tìm cách kiến tạo phát triển, trao cơ chế để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám đột phá của TPHCM - “đầu tàu” kinh tế quan trọng nhất của cả nước”, đại biểu nói.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong rằng, loạt bài “Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế” đã kịp thời phản ánh một cách chân thực những đóng góp, nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đã được Trung ương, Chính phủ đề ra. Theo bà, đây là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, lan tỏa những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. “Cán bộ là gốc của mọi việc, công việc thành công hay thất bại cũng do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ, lãnh đạo tài năng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ có những phương hướng, cách thức, cách làm, cách tổ chức khoa học, khách quan và thực tế, từ đó tạo ra động lực lớn cho sự phát triển”, bà Yên nói.
Đến sự sôi động ở nghị trường
Thực tế, trong gần 3 tuần đầu của đợt họp thứ nhất (từ 22/5-10/6) của Kỳ họp thứ 5 (từ 22/5- 10/6), Quốc hội khóa XV - câu chuyện cán bộ sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm; hay việc TPHCM gửi 584 văn bản ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ này đã trả lời 604 văn bản trở thành một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu trong các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường và cả bên ngoài hành lang Quốc hội. Ngay trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thảo luận, có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025. Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.
Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội các đại biểu phản ánh tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm giờ đã lan rộng, thậm chí sang cả khu vực tư. “Rất nhiều việc cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên bảo làm theo quy định, cứ thế quả bóng đá qua, đá lại, ở giữa thì đình đốn kinh tế, việc không thông, cơ hội mất đi, kéo dài không giải quyết được. Tình trạng này đã khiến thành phố “đầu tàu” TPHCM, tăng trưởng thấp, “thảm hại”. Vì vậy cần có giải pháp tháo gỡ để nền kinh tế phát triển”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công bày tỏ.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là “không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa”. “Chúng ta không thể bênh, bao che các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang khó khăn. Tình trạng trên làm cản trở phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Còn trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm cũng trở thành vấn đề “nóng” thu hút nhiều đại biểu tham gia tranh luận, với nhiều những góc nhìn khác nhau. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) bày tỏ nỗi lo trước tình trạng “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Có đại biểu thì nêu thực tế: “không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì “phải vi phạm không nhiều, thì ít” các quy định hiện hành”.
Bên ngoài hành lang Quốc hội, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm cũng trở thành chủ đề chính trong các cuộc trao đổi giữa phóng viên với các đại biểu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng phải làm tốt công tác tư tưởng để cho cán bộ thấy mình làm đúng thì không sợ, còn những vấn đề chưa nắm vững, chưa hiểu rõ có thể hỏi cấp trên hướng dẫn, giải đáp. Trong khi đó, một đại biểu chia sẻ với Tiền Phong rằng, việc báo chí và đại biểu “đồng thanh” nêu bật vấn đề cán bộ sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm vì lợi ích chung trong thời gian qua, đã tạo ra sự tương tác hiệu quả. Qua đó, không chỉ nêu thực trạng mà quan trọng hơn còn là hiến kế, đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Quốc hội có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này.