> Bão số 4 tiến vào bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, lúc 16 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 400 km về phía Đông.
Dự báo, 16 giờ hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 100 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10, cấp 11. Theo ông Tăng, sau đó, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, tốc độ đi khoảng 15 km/h.
Đến đêm 26 rạng sáng 27-9, bão đã ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Trung Bộ, tâm bão dự kiến đổ bộ từ Nghệ An tới Quảng Trị, tuy nhiên vùng gió nguy hiểm trải rộng từ Thanh Hóa tới Quảng Nam.
Từ hôm nay vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa dự báo khoảng 100-300 mm, một số nơi có thể lên đến 500 mm. Tuy nhiên, sau khi bão đổ bộ, mưa sẽ giảm nhanh.
Ông Tăng cũng cho hay, hiện ngoài khơi Philippines xuất hiện cơn bão (có tên là Nesat) cường độ có thể đạt cấp 13-14 trong những ngày tới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu có biện pháp khẩn cấp, để 36 tàu cá đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa trú tránh bão an toàn. Các địa phương cần thu hoạch lúa xong trong ngày 26-9 để tránh bão. Ông Phát cho biết, lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn lên cao.
Trước diễn biến nhanh của bão lũ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan dự báo theo dõi và thông tin thường xuyên về tình hình bão, lũ. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, bằng mọi biện pháp, chậm nhất trong hôm nay 26-9, phải liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão để chủ động đối phó; yêu cầu tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng có công điện, gửi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu các tỉnh này tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực (kể cả lực lượng quân đội) và chủ động ứng kinh phí để gia cố bờ bao, đê bao bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.
Tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn
Quảng Nam - Chiều 25–9, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết: hiện còn 79 tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh với 1.687 lao động đang hoạt động ngoài biển, trong đó có 59 tàu đánh bắt xa bờ với 1.604 lao động. Toàn bộ số tàu thuyền này đã được liên lạc để tìm nơi trú bão an toàn.
Ngoài ra, có 12 tàu thuyền với 155 lao động của ngư dân Quảng Nam đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa, BCH PCLB đã có báo cáo gửi BPCLB Trung ương đề nghị liên hệ với phía Trung Quốc cho số tàu thuyền này tránh bão.
Quảng Trị - Chiều 25-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 4. Theo báo cáo nhanh, đến cuối ngày 25-9, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi được 2.460 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, chỉ còn 1 tàu với 6 thuyền viên đang hoạt động tại vùng biển Vũng Tàu. Toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đang đánh bắt ở các nơi giữ được liên lạc với đất liền và đã đến nơi trú tránh bão an toàn.
TT- Huế - Đến chiều 25-9, tất cả hơn 2.000 phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển của ngư dân tỉnh này đã được các cơ quan chức năng gọi về nơi trú ẩn an toàn.