Khám phá bí ẩn núi Tà Đùng

TP - Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên, nơi có nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ sinh sống. Chúng tôi đã thực hiện một chuyến phượt rừng, khám phá cảnh quan kỳ thú của khu bảo tồn, đặt chân lên đỉnh núi Tà Đùng trên độ cao gần 2.000m.
Phải rất vất vả để đặt được chân lên đỉnh Tà Đùng.

Xuyên giữa ngàn hoa dã quỳ

Sau nhiều lần hẹn, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng đã tổ chức cho nhóm phóng viên chúng tôi một chuyến phượt rừng.

Những ngày đầu mùa khô, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột chúng tôi chạy xe hơn 200 cây số, vượt hàng chục con đèo gấp khúc, từ sáng sớm đến cuối chiều mới đến trụ sở khu bảo tồn thiên nhiên KBTTN Tà Đùng đóng chân trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. Nhìn từ xa, đỉnh núi Tà Ðùng tĩnh lặng lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập năm 2003, diện tích tự nhiên 21.307 ha bao gồm núi và hồ. Khu bảo tồn nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, cũng là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai.

“Tháng 8/2014, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như vui chơi giải trí hồ - đảo, vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng, du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch tín ngưỡng”.

             ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng 

cho hay

Ông Khương Thanh Long, Phó giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng giới thiệu: Tà Đùng là ngọn núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông với độ cao 1.982m. Từ đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả không gian rộng lớn. Hồ Tà Đùng tự nhiên đã được mở rộng lên tới hơn 3.000 ha sau khi các công trình đắp đập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 hoàn tất. Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ, và vài chục hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng.

Chạy theo quốc lộ 28, đi qua buôn làng người Châu Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng, đến một con suối không tên nước trong vắt, mát lạnh, nhóm thanh niên hơn chục người đang lội giữa dòng hò reo chơi té nước. Anh Trần Văn Hậu, cán bộ Trạm kiểm lâm số 1 nói: “Dòng suối này chỉ cách quốc lộ hơn một cây số, lòng suối cạn, nước trong và nhiều phiến đá bằng nên ngày nào cũng có vài nhóm thanh niên đến chơi, thậm chí chạy xe mấy chục cây số từ  Di Linh, thị xã Gia Nghĩa… đi dã ngoại đến đây”.

Chúng tôi đến khu rừng tái sinh, hàng nghìn chú chim chào mào, họa mi, nhạn, trẽo… đua nhau hót mừng đón khách xa, hòa với tiếng nước đổ ào ào của thác Dinh Klinh thành bản nhạc rừng. “Các loài chim quần tụ trong sinh cảnh của rừng tái sinh nên rất phong phú chủng loại chim quý. Vì thế, Tà Đùng được xếp hạng là vùng chim đặc hữu của Việt Nam, nằm trong top 202 vùng chim quan trọng của thế giới”, ông Long khoe.

Qua thác Ding Klinh, đến khu rừng già nguyên sinh nhiều tầng, các loài cây chen nhau vươn lên tìm ánh sáng. Vài tia nắng hiếm hoi lách chiếu xuyên tán rừng. Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi có bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất cả gang tay. Nhiều cây hình thù kỳ dị, cây bạnh vè tỏa rộng hàng chục mét vuông. Có cây ôm quấn, “bóp cổ” một cây khác đến chết. Có cây thân vỏ giống hoa văn trên mình con trăn, trông như quái vật khổng lồ. Người dẫn đường nhắc nhở: “Từ đây lên núi là rừng già, nhiều động vật, côn trùng, dốc cao dựng đứng, hai bên vực sâu, nhiều đá, cây leo chằng chịt lối đi, anh em phải rất cẩn thận”.

Cả đoàn đang bàn tán rôm rả, đột nhiên nghe tiếng rào rào di chuyển trên tán lá, tiếng động mỗi lúc càng gần hơn. Thì ra một đàn Chà Vá chân đen đang đu cành nhanh thoăn thoắt. Mọi người phấn khích vội đưa ống kính chụp, nhưng chúng đã kịp nép mình giữa những tán lá xanh. May thay một kiểm lâm đi cùng nhanh tay “chộp” được cảnh con sau cùng đang đu theo đàn. Dù hình ảnh không được sắc nét, nhưng đó cũng là khoảnh khắc thực hiếm có về loài linh trưởng trong sách đỏ này.

Quên cả mệt, cả đoàn tiếp tục bàn tán về sự đa dạng của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn. Từ các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Chà Vá, Vượn, Cu li, Gấu,… đến các loài thực vật quý hiếm như Thích hoa đỏ, Bạch tùng, Đỉnh tùng, Trà hoa vàng,…

Càng vào sâu sinh cảnh tự nhiên càng hấp dẫn, song hành trình vượt rừng lại càng gian nan hơn. Dốc thẳng đứng, ai cũng phải cong gập người, tay bám víu chắc vào cây nhỏ ven lối đi nhích từng bước về phía trước. Ngồi phệt xuống đất, nhìn nhau mệt phờ. “Hành trình còn dài, để lên đến đỉnh núi chúng ta phải nghỉ năm bảy lần nên phải giữ sức và tranh thủ thời gian. Vượt hết đoạn đường dốc núi chênh vênh, đoàn dựng lán trại nghỉ qua đêm rồi ngày mai đi tiếp”, ông Long nói.

Ngày đi rừng thứ 2, đôi chân đã quen với việc leo núi, hành lý đã để lại ở lán không còn phải vác nặng, tinh thần ai nấy hứng khởi vì sắp được đứng ở điểm cao mà bao phượt thủ ước mơ chinh phục. Dù không có lối mòn, nhưng đường đi dễ hơn, chỉ có lớp thảm mục còn hằn dấu chân của những con Sơn dương, một loài động vật hiếm hoi có thể thích nghi được với thời tiết lạnh ở độ cao hàng nghìn mét. Càng lên cao, càng vắng bóng cổ thụ, chỉ còn loài ghẻ và chè thân cây phủ lớp rêu như khoác áo chống lại cái lạnh buốt xương và gió lớn.

Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh Tà Đùng trong niềm vui vỡ òa, cảm giác như đang ở lưng chừng trời. Nhắm mắt thưởng thức, hít hà khí trời, nhìn phía xa những mái nhà cao tầng của phố thị lấp ló trong sương mờ huyền ảo. Chẳng cần nghỉ ngơi, mọi người tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc hiếm có này để bắt đầu xuống núi kịp kết thúc chuyến hành trình trước khi trời tối.

Leo núi đã khó, xuống núi cũng chẳng dễ dàng, trọng lực toàn thân dồn hết lên hai bàn chân, đầu gối chùng xuống mới giữ được thăng bằng. Ra khỏi rừng, đôi chân run bần bật, bắp chân đau nhức sau chặng đường dài.

Điểm du lịch hấp dẫn tương lai

Kết thúc chuyến hành trình, vừa ra khỏi rừng thì mặt trời cũng từ từ xuống núi. Chúng tôi tranh thủ chạy xe máy băng qua các đồi cà phê đang độ chín, đỏ rực từ gốc đến ngọn. Trong ánh nắng vàng cuối thu của buổi chiều tà, nhìn từ trên cao, hồ Tà Đùng giống hệt một Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Nước hồ xanh biếc nổi lên giữa núi rừng Tây Nguyên hoang vu cùng những hòn đảo lớn nhỏ nhô trên mặt nước. Vài chiếc xuồng bé xíu của dân chài như vây cá mập giữa biển từ từ rẽ nước săn mồi.

Chà Vá chân đen ở rừng Tà Đùng.

Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: Khu bảo tồn có diện tích rộng hàng chục ngàn ha, tiếp giáp với 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Độ che phủ rừng vùng lõi chiếm tới 85%, trong đó, rừng nguyên sinh chiếm 48%. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm hoi của vùng Cao nguyên. Bên trong rừng,  các dòng suối Đắk N’teng, Đắk Plao chảy qua tạo thành nhiều ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí như thác Đắk Plao, thác Bảy tầng, thác Mặt trời… Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc, các buôn làng người Mạ, K’ho, H’Mông,… thuộc xã Đắk P’lao, Đắk R’măng, Đắk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, khu bảo tồn sở hữu hệ động thực vật đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại với hơn 1.000 loài, nhiều loài trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, nai, cà Toong, hổ, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ… Ban quản lý Khu bảo tồn đang tăng cường phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát các địa điểm đa dạng sinh học và hệ sinh thái điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ.