Khai thác khoáng sản ở Đà Nẵng: Nan giải hoàn thổ

TP - Đà Nẵng đang quyết tâm lập lại trật tự khai khoáng, đặc biệt chú ý đến công tác hoàn thổ, trả lại mặt bằng, phục hồi nguyên trạng và trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không là đơn giản.
Đồi núi tan hoang vì khai thác đất. Ảnh: N.C

Hoàn thổ đến… già cũng không xong!

Ngọn núi Phước Tường (quận Cẩm Lệ) xanh mướt vài chục năm nay giờ bị đào xẻ tan hoang. Với khoảng 10 đơn vị đang khai thác đá, núi Phước Tường nhiều chỗ bị cạo trọc, lở loét, khói bụi mù mịt. Hàng chục hố sâu hình thành sau khai thác. Hầu hết các mỏ khai thác đất đá ở Đà Nẵng hiện nay nham nhở như một đại công trường dở dang, đặc biệt với các mỏ đá ở núi Phước Tường, Phước Thuận…

Mới đây, sau khi đi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị phải ngay lập tức hoàn thổ sau khi khai thác xong để lên kế hoạch đóng cửa mỏ. Yêu cầu hoàn thổ của ông Thơ là san lấp các hố, trồng cây xanh. Tuy nhiên, với các chủ mỏ đá, đó là điều hoàn toàn nằm ngoài khả năng. Ông Nguyễn Nho Chắn (Phó GĐ Cty TNHH Nho Chiến, chủ mỏ đá Phước Lý 2) cho rằng, yêu cầu lấp toàn bộ chiều sâu mỏ sau khi khai thác xong là chuyện quá sức. Mỏ đá Phước Lý 2 đang trong giai đoạn cuối khai thác, theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào tháng 12/2015. Mặc dù vậy, tại đây, hàng trăm công nhân vẫn đang ngày đêm làm việc. Theo quy định cấp phép khai thác cứ 1 năm gia hạn một lần, trong khi quy hoạch mỏ Phước Lý 2 bắt đầu từ 2005 có thời hạn đến 2015 là 10 năm. Doanh nghiệp vừa làm vừa sợ thu hồi mỏ, rất bất cập. Theo ông Chắn, khi được cấp phép, DN của ông được phép hoàn thổ theo phương án tích nước, tạo hồ chứa. Tuy nhiên, giờ đây thành phố bắt buộc phải san lấp. “Với những hố sâu vài chục mét như thế, nếu san lấp mất vài triệu khối đất. Có bán cả gia sản, hoàn thổ tới già cũng không xong”.

Theo tìm hiểu, gần 10 đơn vị khai thác đá ở núi Phước Tường đều hoạt động với phương thức bóc tầng phủ, móc sâu vào lòng núi hoặc tạo thành hố sâu so với mặt bằng. Chỉ một số ít DN dự trữ đất khi bóc tầng phủ để có kế hoạch hoàn thổ sau này. Đa số các mỏ đều chưa có phương án phục hồi nguyên trạng. Ngoài ra, tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ, các DN trước khi khai khoáng đều phải ký quỹ phục hồi môi trường. Tuy nhiên, theo một DN, số tiền này là không ăn thua và không thể nào phục hồi hoàn toàn, nguyên trạng.

Tùy vào… tâm của doanh nghiệp?

Tháng 6/2015, sau khi tổng kiểm tra, rà soát tất cả các mỏ khai khoáng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu kể từ nay trở đi, trước khi cấp phép mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (đất đồi, đá, đất sét, cát…) cho các đơn vị cá nhân liên quan, Sở TN&MT làm việc và đề nghị các đơn vị, cá nhân khai thác phải nộp số tiền 500 triệu đồng (tùy thuộc vào quy mô, công suất, khối lượng khai thác…) để cam kết đảm bảo hoàn thổ theo phương án tại khu vực sau khi kết thúc quá trình khai thác. Đáng lưu ý, đây là số tiền ngoài tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo luật. Ông Thơ nêu rõ, nếu đơn vị nào không phục hồi môi trường, hoàn thổ nguyên trạng, UBND thành phố sẽ xử phạt, sử dụng nguồn tiền trên để hoàn thổ và nộp phạt. Nếu không đủ, chủ DN tiếp tục nộp bổ sung. Nếu DN thực hiện hoàn chỉnh sẽ được trả lại số tiền trên.

Tuy nhiên, một số DN khai khoáng đang rất phân vân vì không biết nộp 500 triệu đồng bằng hình thức nào. Ông Nguyễn Điểu – GĐ Sở TN&MT cho hay, đúng là chưa có luật nào quy định DN phải nộp 500 triệu đồng mới được cấp, gia hạn phép. Tuy nhiên, đây là sáng kiến mới và hy vọng nhờ thế việc hoàn thổ sau khai thác sẽ thuận lợi hơn. Ông Điểu thừa nhận các DN còn e dè, một số ủng hộ. “Số tiền trên theo tính toán là hợp lý. DN nào có tâm thì họ sẽ nộp. Cái này chúng tôi cũng đang ở mức độ vận động là chính. Theo thời gian, Sở sẽ mạnh tay xử lý để đi vào nề nếp hơn”.  

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao Sở TN&MT sắp tới chủ trì, phối hợp với các sở, ngành quận huyện mỗi quý đi kiểm tra một lần (chưa kể đột xuất) các mỏ. Đặc biệt, sắp tới việc khai thác, kể cả khai thác đá phải phù hợp với hiện trạng và quy hoạch, tạo mặt bằng, không được tạo hố sâu như các dự án cũ. Trên thực tế, các dự án khai khoáng, từ múc đất ruộng, đất đồi, khai thác đá… từ trước tới nay, sau khi hoàn thành đều để lại vết lở loét tan hoang, không đúng với hiện trạng ban đầu.