Kết thúc xét tuyển ĐH - CĐ đợt 1: Thí sinh bật khóc vào giờ chót

TP - 17h chiều 20/8, cuộc chạy đua đầy kịch tính vào ĐH, CĐ đợt 1 đã kết thúc. Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh vẫn chưa biết chắc mình đỗ hay trượt. Ở những giây phút cuối cùng, không ít thí sinh bật khóc vì tiếc nuối và thất vọng.
Chiều 20/8, đông đảo thí sinh, phụ huynh mệt mỏi chờ đợi các trường đại học, cao đẳng công bố điểm chuẩn (Trong ảnh: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Ảnh: Như Ý.

Đến 17 giờ chiều ngày 20/8, các trường đồng loạt khép lại việc nhận hồ sơ nguyện vọng 1 của thí sinh ĐH năm nay. 16 giờ, tại trường ĐH Công đoàn nhiều thí sinh vẫn hối hả đến làm thủ tục nộp hồ sơ. Nhiều phụ huynh cho biết, đã nghỉ làm nhiều ngày để đưa con đi rút, nộp hồ sơ. Dường như, đây là sự lựa chọn cuối cùng của những thí sinh đã nộp hồ sơ ở trường top trên. Ở những giây phút cuối cùng, một số thí sinh đã tiếc nuối bật khóc.

Nguyễn Thị Hải Oanh cho biết, em được 23,75 điểm. Với mức điểm này, em tin mình đỗ vào Khoa Quản lý nhà nước của Học viện Hành chính nên ngay từ những ngày đầu đã nộp hồ sơ vào (khoa này năm 2014 chỉ lấy 19 điểm). Quê ở Hà Tĩnh, dù cách Thủ đô đến 400km, Oanh đã phải một mình bắt xe đến nơi để rút hồ sơ nộp vào trường khác. Bật khóc, Hải Oanh chia sẻ: “em thật sự tiếc nuối vì 23,75 điểm khối C em nghĩ là khá cao vậy mà không vào được ngành em muốn”.

Khó lường tới phút cuối

Tại ĐH Kinh tế quốc dân, một phụ huynh từ Thạch Thất (Hà Nội) than vãn: “Con tôi được 25,5 điểm nhưng giờ còn chưa dám nộp. Vất vả quá vì suốt ngày phải theo dõi, đi làm cũng không yên tâm, hôm nay tôi phải nghỉ  cả việc nhà nước”.

Trong hội trường có sức chứa 500 người của ĐH Kinh tế quốc dân, phụ huynh và thí sinh lấp gần hết chỗ ngồi từ 7 giờ sáng. Ông Phạm Quang Dong, trưởng phòng đào tạo cho biết: Ngày 19/8 vẫn có 868 hồ sơ nộp mới  và chỉ có 230 thí sinh rút hồ sơ, trường này chỉ tuyển 5.800 chỉ tiêu nhưng đã nhận xấp xỉ 10.000 hồ sơ.  Ông Dong nói, chúng tôi đã tiên lượng là sẽ đông nhưng không ngờ đông thế. Ngoài ra, ông Dong cho biết, số thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện  cũng tới gần 1.000.

Ngày chót nhưng thí sinh tháo chạy từ các trường có điểm cao hơn đổ về đây khá đông, đến mức trường này nghẽn mạng cục bộ và khó xử lý thông tin. Được biết, tại trường này có những phụ huynh đã phải  chầu chực suốt 3 ngày, thậm chí có người phải ở tới 7 ngày ở khách sạn tại Hà Nội để theo dõi và nộp hồ sơ cho con. Giờ chót, được biết trong biển người chờ đợi ở ĐH Kinh tế quốc dân, có nhiều thí sinh rất tuyệt vọng, thậm chí có thí sinh đã xé hoặc đốt giấy báo điểm trong nước mắt.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường khác, tình hình cũng căng thẳng không kém. ĐH Bách khoa thừa ra khoảng 1.000 đơn xét tuyển, nhưng con số đến rút hồ sơ mới khoảng vài trăm người.

Ngay từ sáng sớm 20/8, tại ĐH Công nghiệp TPHCM, hàng ngàn thí sinh và phụ huynh đã tập trung về đây để rút, nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Văn Sang, quê Bình Phước mặt đăm chiêu nói: “Kiểu này không ổn, hôm qua tới giờ mà ngành Công nghệ ô tô tăng 0,25 điểm rồi, giờ hôm nay ai có điểm trên 20,5 trường mới nhận. Nguy hiểm quá!”. Ông Sang cho biết, con ông thi được 21 điểm, nộp hồ sơ ngành Công nghệ ô tô trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Dù vẫn đang trong danh sách trúng tuyển tạm thời, nhưng cảm thấy không an tâm nên sáng nay, hai bố con ông Sang quyết định lên trường nắm tình hình. 

“Lo quá, lúc sáng giờ toàn là người tới nộp hồ sơ, hỏi ai cũng 21-22 điểm trở lên. Dù biết trường có cả chục ngành, họ nộp hồ sơ vào ngành nào chưa biết, nhưng vẫn mong là họ không nộp vào ngành của con mình”, ông Sang nói.

Cũng tại ĐH Công nghiệp TPHCM, thí sinh Phạm Thị Thúy Loan, quê Đồng Nai mếu máo nói: “Giờ em biết nộp trường nào nữa đây, điểm lên cao quá”. Loan cho biết, Loan thi được 19 điểm, tối qua (19/8) vào xem điểm thì biết mình bị rớt ngành Kế toán, trường ĐH Nông Lâm TPHCM nên sáng nay tức tốc bắt xe từ nhà lên trường rút hồ sơ để qua nộp trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Thế nhưng, sau khi mang hồ sơ qua ĐH Công nghiệp thì trường này công bố điểm ngành Kế toán cũng tăng lên 19 điểm, nhưng mức điểm nhận hồ sơ là 19,25 nên Loan không đủ điều kiện để nộp hồ sơ.

Ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: “Để đảm bảo khả năng đậu, tránh làm mất công và cơ hội của thí sinh, ngày 20/8, trường chỉ nhận những hồ sơ có điểm cao hơn 0,25 điểm trở lên so với mức điểm chuẩn tạm thời mà trường đưa ra vào tối qua”.

Thí sinh lo lắng vì chưa biết điểm của trường ra sao?. Ảnh: Như Ý.

“Trường gặp khó vì Bộ quá ôm đồm”

Một điều chắc chắn rằng, các thí sinh nộp hồ sơ vào buổi chiều 20/8 cũng sẽ không biết khả năng đỗ, trượt của mình ra sao vì vào 17 giờ ngày 20/8 Bộ đã đóng hoàn toàn cổng thông tin. Các trường sẽ tự nhập dữ liệu một cách độc lập và đến ngày 22/8 mới được hòa mạng để biết ai đỗ ai trượt!

Theo Bộ GD&ĐT, 17 giờ ngày 20/8 là thời hạn cuối cùng các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, đồng thời cũng từ thời điểm đó, hệ thống sẽ tạm thời khóa dữ liệu, không cung cấp dữ liệu thí sinh cho các trường, không để đơn vị nào can thiệp việc tính toán để chỉnh sửa, chuyển đổi nguyện vọng, thậm chí chuyển hồ sơ sang trường khác như thí sinh, phụ huynh lo ngại. Đến cuối ngày 22/8, bộ sẽ trả dữ liệu một lần để các trường tổng hợp, phân tích, lên phương án điểm chuẩn cho các ngành đào tạo.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, Bộ đã quá ôm đồm mọi việc, làm cho các trường gặp nhiều khó khăn và làm chậm tiến độ công bố điểm cho thí sinh.

Theo ông Minh, thời điểm Bộ GD&ĐT khóa dữ liệu là quá sớm, các trường sẽ không kịp để nhập và xóa dữ liệu của thí sinh bởi thời điểm đó, trường mới hết nhận hồ sơ. Như vậy sẽ có hàng trăm thí sinh chưa kịp cập nhật hồ sơ cũng như xóa dữ liệu trên hệ thống, đồng nghĩa với việc sẽ phải đợi đến khi Bộ mở lại hệ thống mới làm được việc.

“Đáng ra, Bộ chỉ nên làm trọng tài, ngăn không cho chỉnh sửa, chuyển đổi nguyện vọng, thậm chí chuyển hồ sơ sang trường khác và giao dữ liệu cho các trường để họ tự xét. Việc này bao năm nay các trường vẫn làm rất tốt”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, việc trong mỗi đợt xét tuyển có đến 4 nguyện vọng là quá nhiều mà chỉ cần 2 hoặc 3 là vừa đủ. “Việc có nhiều nguyện vọng sẽ gây khó khăn cho các em vì định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Nhiều gia đình chỉ muốn làm sao để con em mình đỗ đại học mà yếu tố đam mê nghề nghiệp bị xem nhẹ…”, ông Minh nói. Đồng quan điểm, ông Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng, việc xét tuyển kểu này đã làm lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp bởi đa phần, thí sinh đều đua nhau về mặt điểm số để vào được ĐH chứ không còn đề cao đam mê, sở thích.

“Vì thế, năm sau, Bộ nên để các em học sinh chọn ngành, chọn trường trước khi thi. Tuy nhiên, chỉ nên cho các em chọn từ 1- 2 ngành nhưng được chọn từ 2-3 trường khác nhau. Như vậy, yếu tố nghề nghiệp, sở thích mới được đề cao”, ông Sĩ nói.

Sẽ có hàng trăm thí sinh trượt vào phút chót

Đó là nhận định của một số chuyên gia sau kỳ xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1. Ông Trần Thế Hoàng, trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: “Nguyên do có tình trạng trên là bởi những thí sinh điểm cao rớt ĐH top trên phải rút hồ sơ để nộp vào trường top dưới ở phút chót, khiến các thí sinh đang mấp mé trở tay không kịp”.

Ông Trương Tiến Sĩ, phó phòng Đào tạo trường ĐH Ngân hàng TPHCM đặt câu hỏi: Nếu như đến phút chót, những thí sinh có điểm xét tuyển ngấp nghé trên dưới ngưỡng xét tuyển của trường vẫn quyết bám trụ. Sau đó, trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn nhiều so với điểm xét tuyển thì hàng trăm thí sinh này sẽ đi về đâu?

“Chắc chắn các trường top giữa và top trên sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 2. Và không khéo, có những thí sinh 27-28 điểm (3 môn không nhân hệ số) nhưng phải vào học các trường top cuối”, ông Sĩ nói.

Điểm chuẩn dự kiến có thể sẽ thay đổi

Chiều tối ngày 20/8/2015, Bộ GD&ĐT đã công bố công khai điểm chuẩn dự kiến của 111 trường, tính đến 17h ngày 20/8/2015. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, điểm chuẩn dự kiến của các trường này còn chưa tính đến thông tin của những thí sinh gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện, những thí sinh gửi thông tin qua Sở GD&ĐT và những thí sinh nộp hồ sơ bằng bản cứng vào các trường cho kịp giờ mà nhà trường chưa kịp nhập dữ liệu vào phần mềm hệ thống. Chính vì vậy, Thứ trưởng Ga nói, điểm chuẩn dự kiến đã công bố tạm thời có thể sẽ thay đổi khi dữ liệu của các diện thí sinh kể trên được nhập vào và hòa chung hệ thống thông tin trên toàn mạng.

          Hồ Thu

Căng thẳng, mệt mỏi ở Đại học Huế

Trong ngày cuối cùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, hàng nghìn thí sinh và người nhà vẫn như ngồi trên lửa trong ngày cuối cùng nộp hồ sơ tuyển sinh tại Đại học Huế. Căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng là tâm lý chung của nhiều thí sinh và phụ huynh khi đến thực hiện các thủ tục xét tuyển, điều chỉnh lựa chọn ngành học, hoặc rút hồ sơ chuyển sang trường đại học khác, khi thời gian cho phép khép lại. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ sáng sớm 20/8, lượng thí sinh đổ dồn về Đại học Huế để nộp, rút hồ sơ xét tuyển vẫn nghẹt kín cả khu sân, sảnh và các phòng chức năng thuộc khu nhà Ban Khảo thí - Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học. Đến chiều, lượng thí sinh đến làm thủ tục có phần giảm, nhưng sức nóng của sự căng thẳng, âu lo, xen lẫn những phân vân trong lựa chọn ngành dự tuyển, khi thời gian điều chỉnh chỉ còn tính bằng giờ, vẫn không thay đổi…

Đến cuối ngày 20/8, tại Đại học Huế tiếp nhận khoảng 15.000 hồ sơ xét tuyển (nhận trực tiếp và qua đường bưu điện), so với hơn 12.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Theo PGS-TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng  Ban Khảo thí - Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học - Đại học Huế, năm nay chỉ tiêu của các trường thành viên đã được đáp ứng khá tốt qua đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Chỉ có một số ngành ở một vài trường, khoa và Phân hiệu Quảng Trị có khá ít thí sinh nộp hồ sơ. Cũng theo Đại học Huế, Trường Đại học Y dược có mức điểm xét tuyển tối thiểu cao nhất (21 điểm, đối với ngành Y tế Công cộng). Ngành lấy điểm cao nhất là Y đa khoa, với 26,5 điểm. Các ngành Dược học, Răng - hàm - mặt có điểm xét tuyển tối thiểu là 26…       

Ngọc Văn - Kim Hương