Kết nối nông thôn

TP - Tôi trồng 2.000 m2 cà tím nhưng vừa bị héo lá, chết mặc dù đã tưới nước thường xuyên, xin hỏi Giáo sư cách xử lý trong trường hợp này? (Hoàng Minh Hải, Đồng Nai)
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng

Theo KS Trần Thị Cúc, Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, một số bệnh như: mốc sương, đốm vòng, đốm lá vi khuẩn, héo xanh, héo vàng… là những bệnh thường xuyên gây hại cây họ cà. Trong đó, bệnh héo xanh là bệnh gây hại chính làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây họ cà hiện nay vào khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích bị bệnh héo xanh vi khuẩn chiếm khoảng 160 ha, tỷ lệ hại 7,5 – 30% cây. Bệnh xuất hiện và gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng sản xuất. Bệnh gây hại nặng khi cây đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ - hoa đến hình thành quả non- thu hoạch. Cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, sau đó cây chết (lá còn xanh). Trên cây lớn thì biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo.

Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một thân hoặc một nhánh ở về một phía của cây, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ, gãy gục và chết. Những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần gốc sát mặt đất vỏ thân sù sì, có những u nhỏ, đó là triệu chứng đặc trưng của cây họ cà khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn. Phần bên trong rễ cây và thân cây bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu.

Đặc điểm của bệnh héo xanh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Cần phát hiện sớm để xử lý bệnh có hiệu quả. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Fugous proteoglycans (Elcarin 0.5SL); Polyphenol (Chubeca 1.8 SL); Streptomyces lydicus WYEC 108 (Actinovate 1 SP). Bacillus subtilis: (Biobac 50WP); Ningnanmycin: (Ditacin 8 L).