Thăm chồng tại nơi đóng quân
Nay đã ở độ tuổi ngoài bảy mươi, nhưng bà Quách Thị Loan vẫn giữ được nét đẹp của một thời xuân sắc. Bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, bà Loan cho biết, bà và ông Ngô Văn Nhỡ đều sinh ra tại vùng quê thuộc xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, Ngô Văn Nhỡ được về phép và lập gia đình với cô y sĩ xinh đẹp Quách Thị Loan sau vài năm tìm hiểu. Thời điểm đó, ông Nhỡ là cán bộ tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) đang đóng tại Cửa Việt (Quảng Trị), một vị trí trọng yếu sau Hiệp định Paris.
Cưới vợ được ít ngày, Ngô Văn Nhỡ trở lại đơn vị. Thời điểm này, gia đình anh có hai liệt sĩ. Người anh cả của Ngô Văn Nhỡ mới hy sinh, để lại một mụn con gái; còn người em hy sinh năm 1968 khi chưa lập gia đình. Bởi vậy, cả gia đình đều mong vợ chồng Ngô Văn Nhỡ sớm có con.
Nhưng sau đám cưới đó, do cuộc chiến ngày một ác liệt nên Ngô Văn Nhỡ chưa thể có thêm lần về phép nữa. Nỗi nhớ chồng khôn nguôi của người vợ trẻ Quách Thị Loan khi đó chỉ được bù đắp qua những cánh thư đi về.
Năm 1974, cụ Ngô Văn Lẫm, bố Ngô Văn Nhỡ đã gợi ý cho con dâu vào chiến trường thăm chồng. Sở dĩ có gợi ý này bởi trước đó cụ Lẫm đã từng gặp đồng đội của con trai để hỏi đường vào Quảng Trị và nói với con dâu.
Hơn nữa, cụ Lẫm biết con dâu từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ (bà Loan đi bộ đội từ năm 1968-1974) nên ít nhiều có khả năng thích ứng cho chuyến đi này. Để con dâu có tiền đi đường, cụ Lẫm quyết định bán con trâu, tài sản lớn của gia đình khi đó. Trước mong muốn của gia đình nhà chồng, cộng thêm nỗi nhớ chồng da diết nên chị Loan đã đồng ý.
Ít lâu sau, dịp may đến khi Lữ đoàn xe tăng 203 có một đoàn xe tải ra Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp để nhận hàng. Chỉ huy chuyến xe này là đại úy Phạm Nghìn, một đồng hương, đồng đội của Ngô Văn Nhỡ. Khi biết nguyện vọng của gia đình, đại úy Phạm Nghìn đã đồng ý cho vợ đồng đội đi nhờ xe.
Ngày ấy, trong chiến tranh, do đường xấu nên mất gần một tuần xe mới tới đơn vị của Ngô Văn Nhỡ. Lúc này, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 do Ngô Văn Nhỡ chỉ huy vẫn đóng tại Cửa Việt, một khu vực nóng bỏng giữa ta và địch. Vì vậy, khi được đơn vị báo có vợ đến thăm, Ngô Văn Nhỡ không tin. Đến khi biết đó là sự thực, anh ngỡ ngàng với niềm vui khôn tả.
Trước sự việc này, đơn vị đã bố trí cho hai vợ chồng Ngô Văn Nhỡ một nơi ở vừa kín đáo, vừa bảo đảm an toàn. Tuy có vợ đến thăm, nhưng hằng ngày, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ vẫn hoàn tất công việc thường nhật. Chỉ khác trước một điều, đến giờ nghỉ, anh lại được trở về căn buồng hạnh phúc để ăn cơm do người vợ trẻ nấu.
“Thỉnh thoảng, vợ chồng chúng tôi lại làm một bữa ăn tươi để mời các đồng chí trong ban chỉ huy tiểu đoàn và mấy anh em thân cận đến ăn cho vui” - bà Loan cho biết.
Thấm thoắt đã đến lúc người vợ trẻ Quách Thị Loan phải trở về, đôi vợ chồng bịn rịn chia tay.
“Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi, vì sau này tôi không còn được gặp anh nữa”- bà Loan xúc động chia sẻ. Rồi bà cho biết, về sau, nhớ lại khoảng thời gian này, bà đã làm một bài thơ: “Em đến thăm anh một chiều mùa hạ/Đường đi vất vả lội suối trèo non/Chim hót véo von, lòng người phấn khởi/Cả tuần mới tới, xe chết dọc đường/Nghĩ thấy mà thương, chiến trường anh đến/Đứng trên trận tuyến, súng đạn đêm ngày/Các anh hăng say, giữ từng tấc đất/Vì dân vì nước, giành giật từng giây/Quảng Trị giờ đây, thay da đổi thịt/Người đi đông nghịt, mà không có anh”.
Hy sinh trong ngày toàn thắng
Tháng 4/1975, Lữ đoàn xe tăng 203 nằm trong đội hình thọc sâu tiến đánh Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn. Trải qua nhiều trận đánh, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 203) do Ngô Văn Nhỡ chỉ huy luôn nhận lệnh đi đầu, với đích cuối cùng là Dinh Độc Lập.
Ông Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203) cho biết: Sáng 30/4, Tiểu đoàn 1 vượt qua cầu Xa Lộ (Đồng Nai), đi trước mở đường cho binh đoàn thọc sâu hành tiến. Đến căn cứ Thủ Đức, địch chống trả quyết liệt, nhưng Tiểu đoàn 1 đã chọc thủng phòng tuyến của chúng để tiến về Sài Gòn.
Khi đó, ngồi trong xe thiết giáp K63 thấy khó quan sát tình hình, tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Nhỡ bèn điện cho trung đội trưởng Ngô Tâm, trưởng xe tăng 912, yêu cầu dừng lại để mình chuyển xe. Ngồi tại vị trí trưởng xe 912, Ngô Văn Nhỡ chỉ huy đơn vị đánh địch rất hiệu quả tại cầu Rạch Chiếc khi quân ta bắn cháy xe tăng địch, phá hủy nhiều lô cốt để thẳng tiến tới cầu Sài Gòn.
Tại vị trí trọng yếu này, địch điên cuồng chống trả. Thấy ngồi trong xe vẫn khó quan sát, Ngô Văn Nhỡ bật cửa đứng dậy, nhô người trên tháp pháo nhìn các hướng và nhận thấy những điểm yếu trong hệ thống phòng ngự của địch để chỉ huy đơn vị tiến công.
Trong thế trận chắc thắng, bất ngờ tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ trúng đạn và hy sinh. Trung đội trưởng Ngô Tâm vội bắt liên lạc để gọi cho toàn đơn vị: “Anh Nhỡ đã hy sinh. Chúng ta bắn mạnh vào để trả thù cho tiểu đoàn trưởng”.
Các xe tăng của Tiểu đoàn 1 ào lên, vượt qua cầu Sài Gòn rồi thẳng tiến tới Dinh Độc Lập. Xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính, trở thành xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc lịch sử. Xe tăng 843 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1) tiếp tục vào Dinh, và trưởng xe 843 Bùi Quang Thận đã lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng.
Năm 2013, liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bà Quách Thị Loan cho biết, sau chiến thắng 30/4 một thời gian, bà nhận được giấy báo tử của chồng.
Thời gian này, bà vừa sinh con trai đầu lòng. Đây là kết quả của lần bà vào thăm chồng tại chiến trường một năm về trước.
“Trước đây, khi biết tôi mang thai, anh Nhỡ nói nếu sinh con trai thì đặt tên Việt để kỷ niệm địa danh Cửa Việt, còn sinh con gái đặt tên Hà để kỷ niệm địa danh Đông Hà của tỉnh Quảng Trị” - bà Loan cho biết. Rồi bà chia sẻ thêm: “Năm 1993, tôi cùng con trai Ngô Văn Việt và một vài người thân trong gia đình đã vào miền Nam để đưa hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ về an táng tại quê nhà”.
Cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên cho biết: “Sau khi chiếm được Dinh Độc Lập, trong giờ phút chiến thắng, chúng tôi đều nhớ tới người chỉ huy anh dũng của mình, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ. Hình ảnh anh hy sinh trên tháp pháo xe tăng trước giờ toàn thắng mãi đọng lại trong tâm trí chúng tôi”.