UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo ngành y tế làm rõ sai phạm của Bệnh viện Đa khoa thị xã Sầm Sơn trong quá trình khám sức khỏe cho một học viên bị hỏng một mắt nhưng vẫn được chứng nhận đủ sức khỏe đi học lái xe ô tô hạng B2.
Theo xác minh của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, đầu năm 2014, ông Trịnh Xuân Ngãi (50 tuổi, trú tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nộp hồ sơ vào Trường trung cấp nghề Hưng Đô (có trụ sở tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa) đăng ký học lái xe hạng B2.
Sau khi thu hồ sơ và tổ chức khám sức khỏe, trường Hưng Đô tiếp nhận học viên Ngãi. Kết thúc khóa học từ tháng 2 đến tháng 6, ông Ngãi đỗ tốt nghiệp và được Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe của Trường cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Tuy nhiên, tại kỳ thi sát hạch quốc gia tổ chức ngày 25/7, Hội đồng sát hạch của Sở Giao thông Thanh Hóa phát hiện ông Ngãi bị hỏng một mắt trái, người này sau đó bị tước quyền sát hạch do không đủ điều kiện sức khỏe.
Dù thực tế học viên bị hỏng một mắt nhưng trên giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa thị xã Sầm Sơn vẫn xác nhận, “thị lực của ông Ngãi hoàn toàn bình thường, đạt tiêu chuẩn 10/10”.
Đánh giá, đây là sai sót nghiêm trọng, có dấu hiệu gian lận, Sở Giao thông đề nghị ngành y tế xác minh làm rõ vụ việc.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Thành Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Sầm Sơn cho biết, bệnh viện ký hợp đồng khám sức khỏe cho các học viên có nhu cầu học lái xe tại Trường trung cấp nghề Hưng Đô từ năm 2013. Theo đó, khi có khóa học mới, bệnh viện sẽ bố trí một đoàn y, bác sĩ lên thăm khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho các học viên đạt tiêu chuẩn. Trung bình mỗi qúy, bệnh viện Sầm Sơn khám cho khoảng 200 người.
Lý giải về trường hợp ông Trịnh Xuân Ngãi, ông Đồng thừa nhận, đây là sơ suất đáng tiếc của bác sĩ bệnh viện. "Có thể do buổi khám hôm đó quá đông người nên bác sĩ nhầm lẫn. Chúng tôi nhận thiếu sót và xin rút kinh nghiệm sâu sắc", ông Đồng nói và cho hay đã tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở tập thể, cá nhân liên quan.
Ông Ngãi bị hỏng một bên mắt nhưng vẫn được Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn chứng nhận đủ sức khỏe học lái xe ôtô. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Phan Quốc Vinh, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) đánh giá, đây là vụ việc điển hình của tình trạng cấp giấy sức khỏe tràn lan và lỏng lẻo hiện nay ở các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe.
"Thực tế, vẫn còn tình trạng lọt lưới hay sức khỏe trên giấy. Nếu những con người này điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì hậu quả khôn lường", ông Vinh nói. Đại diện Sở Giao thông cho hay thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xiết chặt quản lý thực trạng này.
Liên quan đến vụ việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn vừa chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm ; đồng thời rà soát, chấn chỉnh lại việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa hiện có 7 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, trong đó 6 cơ sở đào tạo cả môtô và ôtô, cơ sở còn lại chỉ dạy chuyên về lái môtô. Mỗi năm các cơ sở này cấp 13.000-14.000 giấy phép lái xe ô tô và khoảng 200.000 giấy phép điều khiển môtô.
Theo Lê Hoàng