Hơn 25.000 tài khoản ngoại 'đổ' 36,2 tỷ USD vào chứng khoán Việt

TPO - Trong những đợt điều chỉnh thông thường trước đây, việc khối ngoại mua vào là yếu tố hỗ trợ thị trường hồi phục bền vững. Với lần hồi phục này, khối ngoại lại liên tiếp bán ròng và đây đang là rào cản không nhỏ cho sự đi lên của thị trường.
Số tài khoản ngoại liên tục tăng tuy nhiên quan ngại là trong quý 2 khối ngoại liên tục bán ròng

Theo Ủy ban Chứng khoán, năm 2017 ghi nhận lượng vốn đầu tư nước ngoài vào ròng ở mức lớn chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với mức mua ròng 47.864 tỷ đồng (gấp 8 lần so với giá trị mua ròng trong năm 2016). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu trong năm 2017 với quy mô vốn hóa đạt 677.700 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2016 và cao hơn 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016. Giá trị vốn đầu tư gián tiếp vào ròng năm 2017 đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016.

Bước sang năm 2018, theo Bộ Tài chính, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, đạt 2,04 triệu tài khoản (tính đến ngày 27/4/2018), trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 25.171 tài khoản. tăng 6% so với cuối năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao, tính đến hết tháng 4/2018 đạt 36,2 tỷ USD, tăng 10% so với cuối năm 2017.

Sau nhịp điều chỉnh mạnh kéo dài từ đầu tháng 4, TTCK Việt Nam đã tạo đáy tại vùng 915 điểm vào cuối tháng 5. Kể từ thời điểm đó tới nay, thị trường đã hồi phục khá mạnh và chỉ số VnIndex tăng gần 14% so với đáy lên mức 1.039 điểm vào phiên 11/6.

Đầu tiên phải kể tới dòng tiền khối ngoại. Sau khi mua ròng miệt mài trong quý 1, khối ngoại đã quay đầu bán ròng kể từ đầu tháng 4. Việc khối ngoại bán ròng bên cạnh những lo ngại về lãi suất tại Mỹ gia tăng còn đến từ việc nhiều tổ chức bán ra cơ cấu danh mục nhằm chuẩn bị tiền cho những thương vụ niêm yết lớn như Vinhomes hay Techcombank.

Sau khi bán ròng hơn 190 tỷ đồng phiên hôm trước, sang đến phiên 12/6, khối ngoại tiếp tục bán ròng 299,75 tỷ đồng, với điểm nhấn là việc bán ròng mạnh VIC 311 tỷ đồng. Tính chung trên cả 3 sàn trong phiên 12/6, khối ngoại đã bán ròng hơn 6 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 299,75 tỷ đồng. Trong khi phiên trước, khối ngoại bán ròng hơn 7,83 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 190,43 tỷ đồng.

Tính từ phiên 29/5 (thời điểm thị trường tạo đáy) tới hết phiên giao dịch 11/6, khối ngoại đã bán ròng gần 1.200 tỷ đồng trên HoSE.

Để bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới đơn vị này và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, trong đó triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2018.

Đồng thời  đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty (CG code); nghiên cứu triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về...