Hồi sinh sau 15 giờ chết lâm sàng

TP - “Chết lâm sàng 15 giờ, tim ngừng đập, bác sỹ khuyên gia đình đưa chị về nhà, nhưng bố mẹ chị kiên quyết không chịu bởi “không thể mất con, não nó vẫn còn hoạt động?”, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, bệnh nhân đang điều trị ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, kể về 42 tháng đấu tranh với tử thần bằng máu của người khác.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền và con gái Diệp Bảo Vy. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Hai mẹ con cùng hồi sinh

Tháng 12/2011, Bệnh viện Việt Nhật tiếp nhận một thai phụ đặc biệt do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển sang. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên sinh 1985, ở Gia Lâm, Hà Nội) mắc bệnh bạch cầu cấp. Bệnh được phát hiện khi chị đang mang thai ở tháng thứ 6. Bác sỹ khuyên chị bỏ thai, khả năng điều trị thành công là 90%; nếu giữ thai thì không thể can thiệp.

Chị Huyền bảo: “Làm sao có thể bỏ lại con được”. Tháng thứ tám mổ sinh, trước giờ  chị lâm bồn, tiểu cầu trong máu ở mức 27G/l, trong khi người bình thường 150-400G/l. Chị và con có nguy cơ đứt cuống rốn, xuất huyết não, các bác sỹ lắc đầu nhìn nhau.

Thời điểm đó lại giáp Tết, máu truyền vô cùng khan hiếm, nhất là tiểu cầu (bốn đơn vị máu mới được một đơn vị tiểu cầu). Nhưng ưu tiên cho thai phụ, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã gửi sang bảy đơn vị tiểu cầu.

Qua một đêm truyền liên tục, chị Huyền vượt cạn thành công. Diệp Bảo Vy, con chị, năm nay hơn ba tuổi, có đôi mắt tròn đen láy, gương mặt giống mẹ, nét nào ra nét đấy.

Ngày đầu chị Huyền phát bệnh, bác sỹ bảo tế bào ung thư đã lan rộng, chị có thể sống ba tháng. Nhưng đến giờ, như chị nói vui là “lay lắt” được hơn 42 tháng rồi, dù nếm đủ nỗi đau, những cơn đau quặn ruột, những ngày nằm liệt vì thiếu máu, rụng tóc, liệt ruột vì điều trị hóa chất, thậm chí chết lâm sàng.

Chị Huyền bảo: “Sống giờ này là nhờ bố mẹ, chồng con, bác sỹ và những người cho máu”. Lúc mới biết bệnh, cô Trưởng khoa Thalasime của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khuyên: “Thuốc chỉ giúp được 30%, còn lại là quyết tâm của cháu, phải vui vẻ, lạc quan để mẹ khỏe, con khỏe”. Nhờ lời động viên ấy mà chị lúc nào cũng vui, cũng cười.

Chồng chị, anh Diệp Hữu Khang, từ ngày biết vợ mang bệnh đã nghỉ công việc ở công ty gia đình để chăm vợ. Thời điểm chị chết lâm sàng 15 tiếng, tim ngừng đập, bác sỹ khuyên gia đình đưa chị về nhà, bởi nếu có sống cũng chỉ là người thực vật. Thế  nhưng bố mẹ chị kiên quyết không chịu bởi “không thể mất con, não nó vẫn còn hoạt động”. Khi chị mở mắt ra là lúc những người thân cùng khóc mừng.

“A lô, chị sẽ hiến máu cho em”

Thiếu bạch cầu, thiếu cả tiểu cầu, một năm 365 ngày thì 300 ngày chị Huyền nằm viện, tuần nào cũng phải truyền cả máu và tiểu cầu. Chị bảo: “Những người bệnh như chị sống được là nhờ hoàn toàn vào máu hiến của mọi người. 42 tháng cũng là thời điểm nhiều giọt máu của nhiều người cùng chảy trong trái tim chị”.

Cũng bởi duy trì sự sống bằng máu của mọi người nên giáp Tết là thời điểm những bệnh nhân như chị lo lắng nhất. Thiếu bạch cầu dẫn đến đau đầu, chân tay tím tái, người mệt mỏi. Thiếu tiểu cầu dễ xuất huyết não mà lúc thiếu máu thì chỉ có máu mới giải quyết được, thuốc giảm đau cũng không có ý nghĩa nhiều. Chị Huyền mang nhóm máu A nhóm máu thiếu nhiều nhất dịp Tết.

Những ngày giáp Tết này, đọc Facebook của chị Huyền thấm những mong mỏi của người mắc bệnh máu. Ngày 3/1: “Chờ đợi, chờ đợi. Mệt mỏi, mệt mỏi. Gần 23h ngóng một đơn vị tiểu cầu để rùi còn đi ngủ. Càng ngóng càng không thấy em í về với mình. Ước một ngày nào đó mình không phải truyền”.

Ngày 6/1: “Hiện nay, tủy em thì đã suy, hóa chất thì đã ngấm. Không thể sản sinh được máu & tiểu cầu. Mong ai đó có lòng quan tâm, cho em những giọt máu quý: Cần lắm, ai có O thì hiến O - có A thì hiến A”.

Sau những đợi chờ là những niềm vui. Ngày 4/1: “Đợi chờ là hạnh phúc. Cuối cùng em (máu) cũng về với chị”. Ngày 6/1: “Có những người lặng lẽ mang niềm vui cho ta mỗi ngày. Ta quen nhận như một lẽ hiển nhiên. “Cám ơn - Xin cám ơn nhau - Xin cám ơn những giọt máu quý giá của bạn”.  

Chị Huyền kể, sau những chia sẻ trên Facebook, chị nhận được nhiều cuộc điện thoại của mọi người. Nhiều người chưa từng quen biết. “A lô, em là Huyền à, ngày mai chị sẽ hiến máu cho em”. Mỗi lần như thế lại thấy ấm lòng. Những con người như thế đã giúp chị vượt qua những lúc tưởng như phải buông xuôi. “Có lúc tưởng như đầu sắp vỡ, máu sắp trào ra và mình thì trôi đi, những lúc ấy thấy máu lại biết mình được hồi sinh rồi”, chị Huyền nói.

Cần hàng nghìn đơn vị máu A và O

Theo tổng hợp từ các bệnh viện gửi về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhu cầu về lượng máu A và máu O cho điều trị từ dịp Tết dương lịch tới Tết nguyên đán là 5.000 đơn vị máu nhóm A và 8.000 đơn vị máu nhóm O. Trung bình mỗi ngày cần từ 80 - 100 đơn vị máu nhóm A và 120 - 150 đơn vị nhóm O.

Tuy nhiên, có thời điểm nhóm máu A không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng máu trong một ngày. Có ngày, Bệnh viện Bạch Mai cần dự trù 100 đơn vị máu, nhưng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ tạm thời cấp phát được một đơn vị.