Hội An đối thoại với gần 200 chủ di tích

TP - Ngày 3/12, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức đối thoại với gần 200 chủ nhân các di tích để lắng nghe ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản văn hóa thế giới.
Người dân phố cổ góp ý kiến với lãnh đạo TP Hội An trong việc bảo tồn phố cổ. Ảnh N.T

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND TP Hội An nhấn mạnh: Sinh khí của phố cổ Hội An chính là nếp sống của người dân Hội An. Vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn di sản là chính chủ nhân của di tích, những người đương đại đang sống trong chính những quần thể kiến trúc. Nếu không tỉnh táo nhìn nhận, vun trồng thêm nhiều giá trị mới thì không biết di sản sẽ đi về đâu?

Năm 2015 Hội An đứng trước nhiều áp lực của dư luận, từ việc bán vé tham quan phố cổ, vấn đề môi trường trong không gian đô thị hay sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại. Hội An đã thực hiện cắm bia, cắm mốc di tích; duy trì và phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản. Trong năm 2015, thành phố đã hỗ trợ kinh phí tu bổ 49 di tích, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích, lập danh mục công trình đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trước mùa mưa, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An triển khai chống đỡ cho 8 di tích và lập dự án chống mối cho 31 di tích

Gần 200 chủ nhân các di tích tại Hội An, bao gồm chủ nhân những căn nhà cổ, thủ từ các chùa, nhà thờ tộc và những cộng tác viên di sản đã trình bày hàng loạt ý kiến xoay quanh các vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An. Ông Phan Xuân Nhẫn, một chủ nhân di tích cho rằng: Đã đến lúc phải giáo dục ý thức cho du khách khi đến tham quan phố cổ. Mỗi du khách phải hiểu rằng không chỉ tham quan đơn thuần mà có ý thức góp sức vào bảo tồn không gian phố cổ, gìn giữ cái chung.

Ông Tăng Xuyên - người trông coi Tụy Tiên Đường Minh Hương (tiền hiền Minh Hương) cho rằng: số tiền 200.000 đồng/tháng tiền thù lao cho người trông coi, bảo vệ, săn sóc di tích là quá thấp. Thành phố cần nâng chế độ cho những người phụ trách bảo vệ các di tích. Việc này, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Văn hóa Hội An cũng chỉ mong các chủ di tích “thông cảm” bởi hiện tại ngân sách hạn hẹp và Hội An là địa phương đầu tiên có chủ trương hỗ trợ này.

Nhiều di tích ở Hội An được chính chủ nhân tự bỏ tiền trùng tu. Ảnh: Quốc Hải

So với các năm trước, năm 2015, công tác xã hội hóa tu bổ di tích khá nổi trội khi có đến 6 di tích thuộc sở hữu cộng đồng đã được người dân tự vận động kinh phí, đóng góp cùng ngân sách để thực hiện tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đưa ra một số thực trạng hoang phế, bỏ bê ở các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Ngay cả như di tích lăng mộ Thứ phi vua Quang Trung (phường Cẩm Thanh) cũng đang bị lãng quên, không có biển chỉ dẫn và bị xâm lấn.

Trước những ý kiến bức xúc về ô nhiễm khu vực Chùa Cầu, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Chính phủ vừa ký thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí lên đến 223 tỷ đồng. Dự kiến bộ máy này sẽ được triển khai vào năm 2016, năm 2017 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.