Học trò và những bữa ăn “công nghiệp”

TP - Phải học cả ngày trên trường, buổi tối học thêm tại trung tâm, nhiều học sinh ở TPHCM phải ăn cơm hộp, bánh mì... Các em mất dần bữa cơm gia đình, đối mặt vấn đề tâm lý và sức khỏe.
Học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám phải mua bánh mì, xôi… ngay tại cổng trường ăn cho kịp giờ học buổi sáng. Ảnh: Ngô Đào

giờ sáng, tại cổng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), nhiều học sinh ngồi ăn vội hộp cơm, những em vừa được người thân chở tới vội vàng mua ổ bánh mì, gói xôi... từ hàng rong để kịp vào lớp.

Ăn vội hộp cơm chiên được mẹ mua cho, em Phạm Hoài Phương, học sinh lớp 6/2, nói: “Sáng nào mẹ cũng cho em ăn sáng ở ngoài rồi vào lớp học. Trưa em tự ăn sau đó vào trường ngủ rồi chiều học tiếp”. Vì phải học cả ngày trên trường, nên chỉ buổi tối Phương mới được ăn cơm ở nhà cùng bố mẹ.

Hoàng Văn Tình, học sinh lớp 7/5 Trường THCS Hoàng Hoa Thám, cho biết, lớp em có 38 bạn thì 27 bạn ở lại trường buổi trưa. Bạn vào căng - tin, bạn ra quán cơm bụi. “Ăn như vậy mới kịp giờ học, vào muộn, giám thị phạt”, Tình nói.

Ăn bờ, ăn bụi


Dẫn phóng viên tham quan bếp ăn của trường, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, cho biết, trường hiện đặt suất ăn công nghiệp ở ngoài, nhưng vì khu nhà ăn trường rất rộng nên yêu cầu công ty mang đồ tới trường nấu để dễ quản lý chất lượng bữa ăn.

“Giá mỗi suất ăn bên công ty đưa ra là 28.000 đồng, phụ huynh đóng tiền tháng. Việc quản lý chất lượng thì bên Sở Y tế một năm kiểm tra hai lần, còn nhà trường kiểm tra thực phẩm và chất lượng thức ăn bằng mắt thường khi công ty giao cho trường mỗi bữa”, bà Xuân nói.

Học sinh tan học lúc 11h15, tới 2h30 chiều mới học lại, nên nhiều em phải lang thang, ăn bụi bên ngoài, tới giờ mới được vào trường học tiếp. “Còn việc học sinh ăn uống ở ngoài một phần cũng do gia đình nghĩ ăn ngoài sẽ rẻ hơn và ngon hơn trong trường”, bà Xuân nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên từ một số trường, hiện nay, các trường từ cấp I tới cấp III ở TPHCM tổ chức học bán trú đều đặt suất ăn công nghiệp từ các công ty, không trường nào có bếp ăn do trường tự tổ chức nấu vì diện tích hẹp cũng như không đủ điều kiện đầu tư bếp ăn.

Bà Trịnh Phương Trinh, Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) cho biết, bữa ăn được một công ty nấu rồi chia phần mang tới cho học sinh. Về chất lượng vệ sinh thực phẩm, bà Trinh không có câu trả lời.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh thuộc khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng I (TPHCM) cho biết, trẻ thiếu bữa cơm gia đình dễ dẫn đến nhiều tác hại lớn về tâm sinh lý. Bữa ăn gia đình là cơ hội để phụ huynh trao đổi và giải quyết vấn đề các con đang gặp phải trong cuộc sống.

Theo bác sĩ Phạm Chí Lăng, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, nếu ăn ngoài đường với bánh mì, cơm hộp thì những yêu cầu căn bản về chất cho một bữa ăn của trẻ em như cân bằng thịt, tinh bột, mỡ, vitamin, chất xơ… thường không được đáp ứng, kết quả là sẽ thiếu chất dinh dưỡng.

“Trước mắt, các em sẽ mau mệt, ít tập trung, hay ngủ gật trong giờ học dẫn đến học kém hay chán học. Lâu dài sẽ gây tình trạng còi cọc, hay ốm đau, dễ bị thiếu máu”, bác sĩ Lăng nói.

Hàng loạt học sinh ngộ độc thực phẩm

Ngày 13/10, tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (phường 12, thành phố Vũng Tàu), 33 học sinh phải đi cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi ăn bữa ăn ở trường, các em bị sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, có dấu hiệu mất nước.

Từ ngày 21 đến 30/10, 215 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12, TPHCM) phải nghỉ học do sốt, đau bụng, tiêu chảy.

Qua kết quả phân tích, Viện Pasteur TPHCM nhận định, nguyên nhân do nhiễm trùng đường ruột với loại vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm và đường phân.