Ngoài ra, theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được công bố ngày 3/12, trình độ khoa học của học sinh Việt Nam đứng thứ 8 thế giới.
Kết quả này được rút ra từ chương trình đánh giá với 510.000 học sinh độ tuổi 15 trong năm 2012 ở 65 nước trên thế giới.
Các trường châu Á thống trị các vị trí đầu của bảng xếp hạng. Báo cáo cho thấy học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) đứng đầu ở cả 3 nội dung đánh giá về toán học, nghiên cứu khoa học và khả năng đọc. Được biết, đến nay Trung Quốc không tham gia chương trình PISA như là một quốc gia, nhưng được đại diện bởi các thành phố có hiệu suất cao như Thượng Hải và Hong Kong
Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản được xếp hạng cao nhất về tất cả các nội dung.
Andreas Schleicher ở Tổ chức OECD, phụ trách chương trình đánh giá PISA, đã nhấn mạnh Việt Nam là "ngôi sao thành tích". Quốc gia Đông Nam Á này đã bước vào top 10 về khoa học và vượt trội so với nhiều hệ thống giáo dục phương Tây trong đó có Mỹ.
Vương quốc Anh đang tụt lại phía sau các đối thủ toàn cầu trong chương trình đánh giá này, không lọt vào top 20 trong toán học, đọc và khoa học.
Các nước xếp hạng thấp nhất trong bảng xếp hạng quốc tế này là Peru và Indonesia. OECD cho biết khoảng cách giữa đầu và cuối của xếp hạng này tương đương với sáu năm học tập.
Tổng thư ký của OECD, Angel Gurria, nhận định: "Đây là lúc cấp bách hơn bao giờ hết rằng những người trẻ tuổi cần tìm hiểu những kỹ năng cần thiết để thành công. Trong nền kinh tế toàn cầu, khả năng cạnh tranh và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những gì mọi người có thể làm với những gì họ biết. Giới trẻ là tương lai, do đó, mỗi quốc gia phải làm tất cả mọi thứ có thể để cải thiện hệ thống giáo dục và triển vọng của các thế hệ tương lai".
Khởi xướng từ năm 2000, chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đã trở thành xếp hạng có ảnh hưởng nhất về giáo dục quốc tế, dựa trên các bài kiểm tra được thực hiện bởi hơn 500.000 học sinh trong độ tuổi 15.
Theo Dân trí