Học phí & CPI

TP - Tổng cục Thống kê vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là do nhóm giáo dục tăng mạnh tới 6,38%, riêng dịch vụ giáo dục tăng tới 7,7%.

Trong khi đó, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều chỉ tăng rất nhẹ, ở mức dưới 0,5%. Đây chính là thời điểm các trường học trên cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới. Nhiều tỉnh thành phố lớn tăng học phí theo lộ trình được duyệt, theo đó cấp phổ thông tăng 34%, đại học tăng hơn 12%... Như vậy, chính yếu tố học phí đầu năm học đã đẩy CPI tăng mạnh.

Dẫn ra đây câu chuyện này để thấy rằng, hóa ra chi tiêu cho sự học của toàn xã hội, của trên 22 triệu học sinh - sinh viên và chừng ấy gia đình quả là không hề nhỏ. Chỉ riêng khoản học phí công khai mà cơ quan thống kê nhà nước nắm được đã dư sức đẩy CPI cả nước tăng mạnh nhất trong năm.

Nếu cơ quan này “tính đúng, tính đủ” hàng chục khoản tiền không tên khác mà các gia đình đang phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu cho con cái họ học hành, chắc rằng CPI tháng 9 này (và nhiều tháng khác trong năm) không chỉ tăng có thế. Không kể ra đây nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều biết rõ cả chục khoản đóng góp khác núp dưới bóng Hội phụ huynh học sinh.

Khảo sát của một tờ báo cho thấy có đến 70-80% học sinh tại các thành phố lớn phải đi học thêm, chi phí có khi lên tới cả triệu đồng mỗi tháng, khoản này nếu tính đủ cũng góp phần gia tăng CPI đáng kể.

Nhà nước hằng năm chi cho giáo dục đã lớn (20% tổng chi ngân sách), dân chúng còn phải chi thêm nhiều hơn. Tóm lại chi tiêu cho giáo dục có thể coi là một trong những khoản chi tiêu lớn nhất của nhà nước và của toàn xã hội. Hàng chục triệu “khách hàng” của ngành giáo dục có quyền đòi hỏi chất lượng giáo dục, dịch vụ giáo dục phải tương xứng với chi phí mà họ và gia đình của họ đã và đang phải bỏ ra.

Điều này lý giải vì sao công luận lại tỏ ra đặc biệt nhạy cảm và quan tâm chặt chẽ tới mọi sự thay đổi trong chính sách giáo dục nước nhà, trong việc đổi mới cách thi, cách dạy và học ở tất cả các cấp. Chính vì vậy, nhiều phóng viên theo dõi giáo dục đã tỏ ra khá thất vọng khi Hội nghị bàn về việc triển khai tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT với các sở GD, các trường ĐH-CĐ khu vực phía Bắc ngày 23/9 vừa qua lại là một cuộc họp... kín.

Hy vọng các Hội nghị sắp tới với cùng nội dung tại khu vực miền Trung và miền Nam sẽ “mở” với báo chí, bởi công luận có quyền được biết, được bàn những vấn đề còn băn khoăn về kỳ thi quốc gia rất quan trọng này (tất nhiên trừ những vấn đề mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ). Thiết nghĩ đó cũng là quyền của hàng chục triệu “khách hàng” của ngành giáo dục, những người vừa đẩy CPI tăng vọt trong tháng này.