Hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Công an

TP - “Với việc sử dụng rượu, bia không đáng kể, đầu óc vẫn tỉnh táo, lái xe vẫn an toàn, có thể giảm mức phạt tiền. Tuy nhiên, với những hành vi lạm dụng rượu, bia quá mức, lạng lách, đánh võng, cần phải duy trì mức xử phạt nghiêm minh”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật chia sẻ với Tiền Phong.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người sử dụng rượu, bia khi lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm mức phạt tiền như vậy là phù hợp thực tiễn cuộc sống, ông thấy sao?

Tại diễn đàn Quốc hội, có nhiều đại biểu quan tâm, đưa ra các ý kiến khác nhau trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Công an trong việc xây dựng dự thảo, lấy ý kiến về nghị định này. Trong đó, dự thảo được đề xuất hạ mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Qua đó, mức phạt tiền được đề xuất từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, thay vì mức tiền phạt từ 6 - 8 triệu đồng hiện nay.

Cá nhân tôi rất đồng tình với đề xuất giảm mức phạt tiền như vậy. Điều này cũng phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Nhiều người cũng băn khoăn với mức phạt nặng như vừa qua, nhiều chủ xe còn sẵn sàng bỏ cả phương tiện khi vi phạm, bị xử phạt?

Thực tế trong thời gian qua, do việc áp dụng mức phạt nồng độ cồn rất nặng, nhiều trường hợp sẵn sàng bỏ xe luôn. Vì sao? Vì số tiền phạt có khi còn cao hơn trị giá chiếc xe của họ. Như vậy, họ sẵn sàng bỏ xe, không chịu phạt. Điều đó dẫn đến tình trạng bãi giữ xe vi phạm chặt kín, cứ để ngày qua ngày như vậy dẫn đến hư hỏng phương tiện, gây lãng phí lớn. Do vậy, việc đề xuất sửa theo hướng giảm mức xử phạt như vậy là rất cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt rõ giữa việc uống rượu, bia liều lượng không đáng kể với tình trạng lạm dụng, uống nhiều rồi say xỉn, lái xe dễ dẫn đến gây tai nạn giao thông. Với việc sử dụng rượu, bia không đáng kể, đầu óc vẫn tỉnh táo, lái xe vẫn an toàn, thì có thể giảm mức phạt tiền. Tuy nhiên, với những hành vi lạm dụng rượu, bia quá mức, hay hành vi quá khích, lạng lách, đánh võng, thì cần phải duy trì mức xử phạt nghiêm minh. Ngoài hình phạt tiền thật nặng, cần xem xét trừ điểm, thậm chí thu hồi bằng lái trong trường hợp này.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu việc lạm dụng rượu bia, giảm thiểu các vụ tai nạn và tiến tới hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, thưa ông?

Chỉ thị của Thủ tướng đã khẳng định, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Thậm chí còn có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, vi phạm nồng độ cồn.

Chính vì vậy, việc ban hành chỉ thị, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn là hết sức cần thiết. Dù là cán bộ, công chức, viên chức hay người dân bình thường cũng đều phải chấp hành nghiêm các quy định. “Ma men” chẳng phân biệt, cũng chẳng loại trừ ai cả. Vì thế, nếu đã vi phạm đều phải xử lý công bằng, không có ngoại lệ. Chưa kể, đã là cán bộ, đảng viên, càng phải gương mẫu chấp hành theo quy định.

Do vậy, ngoài việc xử lý nghiêm minh, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm, cần phải xem xét cả đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt với các hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.

Xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông cũng chỉ là một biện pháp, chế tài để giảm bớt vi phạm, còn căn cơ cốt lõi vẫn là ý thức của chính người tham gia giao thông. Do vậy, cần phải tích cực truyên truyền, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông. Khi có ý thức tham gia giao thông, vi phạm nồng độ cồn cũng như các hành vi vi phạm khác sẽ dần dần giảm đi.

Liên quan đến chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đề cập đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông: Cũng là con người đấy, khi đi ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt quy định về trật tự an toàn giao thông, nhưng khi về Việt Nam lại vượt đèn đỏ, vi phạm rất nhiều. Nguyên nhân do ý thức tham gia giao thông hay vì chế tài chưa được thực hiện nghiêm, thưa ông?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, ý thức của người tham gia giao thông của chúng ta chưa thực sự tốt. Ở nước ngoài, khi tham gia giao thông mà vi phạm, bị xử phạt rất nặng, trừ lương, trừ thẳng tiền trong tài khoản. Cho nên, đi ở nước ngoài rất sợ bị phạt, các chủ phương tiện, kể cả người đi bộ đều chấp hành rất nghiêm.

Người Việt Nam khi đi ra nước ngoài thấy như vậy cũng ý thức phải chấp hành nghiêm. Thế nhưng khi tham gia giao thông ở trong nước, thấy vi phạm diễn ra nhiều thì hùa theo. Ô tô còn sợ phạt nguội, với xe máy, cứ ngã tư nào có cảnh sát giao thông thì chấp hành, còn nếu không có lại vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bị phát hiện thì rú ga bỏ chạy…