Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Mỗi bức tranh một câu chuyện
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung vẽ nhiều thể loại: sơn dầu, màu nước, khắc gỗ… đủ thứ (như lời ông), nhưng người ta biết đến ông nhiều nhất qua tranh lụa. Bức “Trăng trên cồn cát” và “Trăng về sáng” nổi tiếng lấy bối cảnh ở chiến trường Quảng Trị, trong chuyến đi “B ngắn” năm 1972.
Ông kể: “Lúc mới vào sợ lắm. Bom thả suốt ngày đêm, B52, bom khoan, bom phá, bom sát thương v.v… không lúc nào im tiếng. Lúc đó tôi được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp vào một căn hầm ở bờ biển Gio Linh, vắng người, tương đối yên tĩnh. Tôi nghĩ ở xa mọi người thế này làm sao mà vẽ được? Nhà văn còn có thể tưởng tượng, hư cấu, chứ họa sĩ buộc phải nhìn hiện trường. Sau đó, chúng tôi xin chuyển đến một khu gần dân hơn. Hàng ngày tôi bò ra khỏi hầm, xác định tinh thần “chết bỏ”, kiên trì ngồi vẽ trong khi máy bay địch quần thảo đầy trời. Đầu tiên tôi vẽ các bà mẹ chiến sĩ. Ngồi bên cạnh vẽ các mẹ, tôi thấy yên tâm. Tâm lý như được che chở làm tôi không sợ bom đạn. “Bà mẹ Gio Linh” và “Lão dân quân Gio Linh” đều ra đời trong giai đoạn này.
Có lần, khi tôi vẽ một O dân quân đứng bên bờ biển cạnh cây phi lao, các cháu nhỏ vẫn chạy đến xem. Tôi phải bảo các cháu bẻ mấy cành cây vác lên vai rồi ngồi cạnh tôi mà xem vẽ, không máy bay nó phát hiện ra thì khốn.
Thỉnh thoảng, có mươi phút chiến trường gần như yên tĩnh, trăng sáng mờ, tôi ngồi ở miệng hầm hút thuốc lá mốc nhìn cồn cát lung linh, nhìn bóng những O dân quân mảnh mai vác khẩu AK đi đổi trực, thấy như mơ vậy. Tôi đã chép tất cả những cảnh ấy bằng màu sắc, bằng ký ức”.
Chuyến đi B ngắn chỉ có ba tháng, nhưng vì tư liệu chưa đủ, họa sĩ Nguyễn Văn Chung tình nguyện ở lại thêm một tháng. Ở nhà, mẹ ông bảo vợ ông: “để mẹ trông con cho, đi hỏi những người về rồi xem, hay nó đã chết mà người ta giấu”.
Cũng vì tinh thần “chết bỏ”, tranh về chiến tranh của Nguyễn Văn Chung được đồng nghiệp đánh giá là “bình tĩnh”. Chỉ những người đã đi qua bom đạn mới thấu hiểu, có được sự bình tĩnh trong tranh giai đoạn ấy là cỡ nào khó khăn.
Những bài học nông thôn
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông thông thạo cả tiếng Pháp và tiếng Đức. Thời thanh niên, đi sơ tán xuống nông thôn, ông học được tất cả kỹ năng làm ruộng. Thanh niên Hà Nội nhưng có thể xuống ruộng cấy, cày, bừa, bón phân, gặt, tát nước gầu dây, gầu sòng, gánh lúa bằng đòn sóc cả cây số không nghỉ (bởi nếu nghỉ, đặt lúa xuống sẽ bị rụng).
Ông cũng rất để ý cách ăn nói, từ ngữ của dân. Ví dụ, ngoài Bắc nói: mặn quá, mặn thế, người Trung lại nói: mặn quăn lưỡi! Những từ ngữ đặc biệt gợi hình thường khiến ông nhớ lâu và có ý thức tích lũy vốn từ. Trong khi vẽ, ông thường lân la hỏi chuyện các nhân vật. Ông kể: hồi ấy ai cũng có chiến tích, nhưng không ai thích nói về mình, thân quen lắm người ta mới kể một hai. Các O người miền Trung không xưng em, thường xưng Út. “Út bị bắt, bị dỗ bỏ Việt Cộng đi, Út không nghe, thế là bị tháo khớp để không đi theo Việt Cộng được nữa”. Có khi ông vừa phác họa vừa rơi nước mắt.
Thói quen này về sau khiến ông thích viết. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung từng ra một cuốn sách lý luận về mỹ thuật, tập hợp rất nhiều bài viết, nghiên cứu của ông qua nhiều thời kỳ.
Lành lặn từ chiến trường Quảng Trị về Hà Nội, ông thường bảo người thân, quãng sau này là thời gian sống thêm. Chứ đáng ra đã bỏ thân ở “bên ven bờ Hiền Lương”. Khi chuyển từ công việc giảng dạy ở Đại học Mỹ thuật sang làm quản lý ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sự vụ bận rộn khiến ông phải tranh thủ vẽ vào chủ nhật và ngày nghỉ. Nhà chật, ông đều đặn đến phòng làm việc ở Bảo tàng ngồi vẽ. Tranh khá nhiều nhưng ông tiếc bán, nên đa phần vẫn còn lưu giữ trong nhà. Cả những kỷ vật ở chiến trường, hiện vật để vẽ, cũng vẫn nằm yên ở một góc nào đó trong căn tập thể phía sau trường Mỹ thuật.
Bạn tôi, thầy tôi
Ông Chung có nhiều bạn nghề, thường ông gọi họ là “thầy tôi”. Nhà ông, là một “chiếu rượu” quen thuộc của các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Tấn Cứ, Lê Liên, nhà phê bình lý luận Thái Bá Vân… Họa sĩ Trần Văn Cẩn được ông tin cậy bầu làm chủ tịch hội đồng duyệt tranh của Bảo tàng Mỹ thuật. Cứ có triển lãm hay, cả hội đồng xét duyệt cùng đi xem. Qua bức nào thấy “ông Cẩn” im im đi qua là biết không mua được. Bức nào ông dừng lại gật gật đầu thì mua.
Ông Chung uống được rượu. Bây giờ đã tám mươi tuổi, tim phải đặt stent, không uống được nữa, trong nhà ông vẫn tồn hàng chục bình rượu ngâm lớn nhỏ. Thời bao cấp, bạn đến chơi nhà, con gái lớn của ông thường phải làm chân chạy “ra ga mua rượu cho bố”.
Họa sĩ Mai Văn Hiến coi nhà ông Chung như nhà mình. Những cữ rượu kéo dài từ 9 giờ sáng đến hai giờ đêm là thường. Có khi uống xong mệt, ông Hiến lăn ra ngủ ngay ở manh chiếu trải ra nền nhà. Ngủ dậy, lại uống, liên tục mấy ngày liền.
Trong căn phòng trên gác ba của ông hiện nay, tràn ngập tranh chân dung của các người đẹp. Trước giường, vẫn có một tấm khung căng vải vẽ và các túyp màu xếp ngay ngắn. Ông bảo: giờ sức khỏe xuống rồi, không vẽ lụa được nữa, vẽ sơn dầu thôi!
Sắp tới, ông Chung có một triển lãm tranh gia đình cùng với con trai út và con rể mang tên “36-59-74”, khai mạc ngày 17 tháng 10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Con rể ông là họa sĩ Đào Thành Dzuy - thành danh từ những năm đầu tiên của giai đoạn mở cửa và con trai út, họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1974. Ông bảo: chúng nó vẽ khác, tôi “không hiểu” (ông nhắc: từ “không hiểu” phải để trong ngoặc kép) nhưng kệ nó, nghệ sĩ thì phải có cái riêng của mình!
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969, được giữ lại làm giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1969-1977.
Từ năm 1978-1998 ông làm phó giám đốc và giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm của ông nằm trong sưu tập của: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng các dân tộc Phương Đông (Nga), bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan) và nhiều sưu tập cá nhân trong nước và ngoài nước...
Phía sau một chặng đường
Giống như nhiều họa sĩ đàn anh, họa sĩ Nguyễn Văn Chung cũng may mắn có được một người vợ đẹp, lại tần tảo, chiều chồng. Bà Ngô Thị Chinh từng giữ chức Hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B trong suốt 21 năm. Thời gian con nhỏ, ông công tác ở Hà Bắc, chỉ có chủ nhật mới tranh thủ đạp xe về thăm nhà. Bà một mình chăm hai con, những hôm trời mưa gió, từ nhà ra nhà trẻ, phải bế từng đứa một. Buổi tối, không có đèn, điện, bà cho học sinh kê bàn ra sân học phụ đạo, xong hai tiết lại bê bàn vào.
Bà Chinh kể, nuôi ba đứa con hoàn toàn dựa vào lương tích cóp của hai vợ chồng, chứ tiền bán tranh không giúp được gì. Thời đó, lương ông hơn 100 đồng, một bức tranh bán cho Bảo tàng chỉ được 500 đồng, tính giá theo mét, chỉ đủ cho ông lai rai mời rượu bạn bè.
Bây giờ ông yếu, vẫn là mình bà chăm ông. Con cái đều ở riêng, bà một tay lau dọn phòng vẽ, cơm nước, thuốc thang cho ông. Bà nuối tiếc: xưa bận quá, chả nghĩ đến chuyện ngồi cho ông ấy vẽ, giờ yếu rồi, vẽ không được. Thế nên, trong số tranh đồ sộ của ông, chỉ duy có hai cái ký họa chân dung của bà.
Có người hỏi bà: làm vợ nghệ sĩ khó không, bà bảo: chấp nhận thôi! “Tội to nhất” của ông là trên mây trên gió, ít quan tâm đến việc nhà, nhưng nói chung ông là người chân chất. Đến giờ cũng thế, không thích có người giúp việc vì ngại người lạ trong nhà nhưng ông cũng không làm phiền bà nhiều. Bình thường ngồi vẽ tận tầng ba, cứ đến giờ cơm là biết xuống, bà ít khi phải gọi. Ông ăn uống cũng dễ, “làm gì ăn nấy”, không kén chọn!