Hết thời quan chức dùng xe công sang?

TP - Thực trạng về xe công cho thấy, hiện có rất nhiều lãnh đạo đi xe vượt tiêu chuẩn; không ít lãnh đạo nhận chức mới đều có tâm lý muốn thay xe. Trước quy định mới về tiêu chuẩn định mức mua sắm và sử dụng xe công, bất cập này có được kiểm soát?
Hiện nhiều xe công “xịn” vượt định mức vài lần trị giá theo quy định.

Phạt lãnh đạo mua xe vượt định mức

Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô công vừa được Thủ tướng ban hành và có hiệu lực từ ngày 21/8/2015, nghiêm cấm mua xe công vượt định mức và chỉ được thay xe khi quá cũ. Quy định này ghi rõ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Bí thư các tỉnh, thành phố; Chủ tịch HĐND, UBND Hà Nội và TPHCM,… chỉ được mua xe với giá tối đa 1,1 tỷ đồng. Các chức danh thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh… chỉ được mua ô tô tối đa 920 triệu đồng.

Với những chức danh này, chỉ được mua xe mới thay thế khi xe cũ đã đi tối thiểu 20-25 vạn km (tùy địa bàn). Nếu chiếu theo quy định này thì nhiều lãnh đạo đang đi xe vượt tiêu chuẩn kể trên. Ngoài ra, có nhiều lãnh đạo khi được bổ nhiệm vị trí mới đều mua xe mới, dù xe cũ vẫn chưa đến hạn thay thế.

“Tôi ủng hộ chủ trương xốc lại kỷ luật kỷ cương trong mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng đã làm thì phải rốt ráo, Bộ Tài chính cần  đưa ra thông điệp rõ ràng và để người ta sợ và  nghiêm chỉnh chấp hành”. 

Đại biểu Quốc hội Cao sỹ Kiêm

Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì Đề án mua sắm xe công (đang dự thảo và đã trình Chính phủ- PV) sẽ có biện pháp “siết” và “quản” thế nào? Một đại diện Bộ Tài chính cho biết: Đề án dự kiến đề xuất áp dụng thống nhất định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây).  

Bên cạnh đó, bộ này cũng đề xuất sửa đổi chế tài xử phạt. Theo đó, người ra quyết định mua sắm ô tô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đối với việc quản lý, sử dụng ô tô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

“Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ tài chính) nói.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, hiện có 14.408 đơn vị kê khai sử dụng ô tô; trong đó có 11.553 đơn vị kê khai xe phục vụ công tác chung với tổng số 24.460 xe. Với đề xuất này, Bộ Tài chính tính toán số lượng ô tô phục vụ công tác chung sẽ giảm khoảng 7.000 xe.

Lạm dụng đủ đường

Theo thống kê Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước, đến nay, cả nước có 36.897 ô tô công đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, với tổng nguyên giá gần 20 nghìn tỷ đồng (giá trị còn lại khoảng gần 6.000 tỷ đồng). Con số này chưa bao gồm xe của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, xe phục vụ chức danh chiếm 2,36%; xe phục vụ công tác chung chiếm 66,29%; xe chuyên dùng chiếm 31,34% tổng số xe.

Một tài xế có thâm niên 20 năm, đang làm việc tại một bộ kể: Trong công việc hằng ngày, ông  phải lái xe chở sếp đi công chuyện cơ quan không nhiều, ngoài hai lượt đưa đi-đón tới văn phòng hằng ngày.

Thế nhưng, sếp dùng xe  phục vụ mục đích cá nhân thường xuyên. “Hôm nay đưa con ông ấy đi học, mai lại đưa vợ đi lễ, rồi về quê đi ăn cưới, dự đám ma. Càng ngày, tần suất càng dày”- lái xe này kể. Theo ông, các chi phí liên quan phục vụ sếp và người nhà luôn được tính vào chi phí sử dụng xe công. Tức là trên thực tế, ông vẫn cầm hóa đơn tiền xăng, chi phí sửa chữa (nếu có), công tác phí về kế toán cơ quan thanh toán như thường.

Theo quy định được Thủ tướng phê duyệt, tại địa phương chỉ có các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh; tại Trung ương chỉ có các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,25 trở lên, tương đương tổng cục trưởng mới có tiêu chuẩn đón bằng xe từ nơi ở đến nơi làm việc.

Tuy thế, vẫn tồn tại việc lạm dụng trong quản lý và sử dụng xe công khá lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến sự lãng phí này, ngoài bắt nguồn từ ý thức, tính kỷ luật của chính cá nhân thủ trưởng cơ quan đó, còn có sự vị nể của đơn vị chức năng quản lý xe công (như văn phòng, đội xe). Đội xe của một bộ từng nói thẳng: “Nói gì đó cũng là lãnh đạo của mình. Khó mà làm khác được”.