Sáng 11/10, kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, diễn ra tại hội trường thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, kỳ họp lần thứ 7 diễn ra theo đề nghị của Chủ tịch UBND thành phố để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền, có tính cấp thiết, quan trọng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến 11 nội dung do UBND thành phố trình. Trên cơ sở đó, các đại biểu HĐND thành phố sẽ thảo luận để xem xét thông qua 14 dự thảo nghị quyết về: Chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố năm học 2022 2023; quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TPHCM theo Nghị định 81 của Chính phủ; chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách thành phố năm 2022; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án xây dựng cấp bách trên địa bàn thành phố…
Đồng thời, tại kỳ họp lần này, đại biểu cũng xem xét thông qua nội dung về công tác nhân sự của UBND TPHCM.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, trong 9 tháng đầu năm, công tác hoạt động HĐND TPHCM luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, tích cực triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2022; quyết nghị nhiều nội dung, chính sách quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển KT – XH, góp phần thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố và giải quyết những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Dự báo tình hình 3 tháng cuối năm về KT-XH còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do ảnh hưởng đà phục hồi kinh tế thế giới có giảm sút do tác động của căng thẳng chính trị và dịch bệnh. Các chỉ số về cải cách hành chính của thành phố vẫn đạt thấp so kỳ vọng, chưa đạt mục tiêu đề ra, tình hình tội phạm cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đặc biệt là “tội phạm công nghệ thông tin”; việc tinh giản biên chế có tỷ lệ thấp; việc sắp xếp, sáp nhập giảm đầu mối hoặc chuyển đổi hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ toàn phần đạt tỷ lệ chưa cao; tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm thấp...
“Do vậy, những nội dung quan trọng được trình tại kỳ họp này nhằm tiếp tục góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thành những cơ chế, chính sách cụ thể làm cơ sở pháp lý để UBND thành phố, các cấp, các ngành triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch năm 2022 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo HĐND TPHCM, kết quả điều hành, phát triển KT – XH thành phố trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng theo kế hoạch đã đề ra; quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố ước tăng 9,71% so với cùng kỳ và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 349,9 nghìn tỷ đồng, đạt 90,52%% dự toán năm, tăng 27,69% so với cùng kỳ và tăng 21,84% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,4%) và tăng 15,89% so với cùng kỳ năm 2019; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và tăng 28,15% so với cùng kỳ năm 2019…