Hiện tại, bạn đọc có thể tiếp cận với báo bằng cách đến trực tiếp tòa soạn, các văn phòng đại diện, gửi thư qua đường bưu điện, gửi email, gọi điện, liên lạc qua zalo, viber hoặc facebook… Dù liên hệ qua kênh nào, với những vụ việc phức tạp, hầu hết vẫn cần trao đổi, xử lý dưới dạng văn bản, đơn thư. Và phần lớn những đơn thư này, Ban Biên tập báo Tiền Phong đang giao cho Ban Bạn đọc và Công tác xã hội (BĐ&CTXH) làm đầu mối xử lý.
Cầu nối hiệu quả
Trong toàn bộ đơn thư gửi đến báo, nhiều vụ việc không thể triển khai cho phóng viên (PV) tác nghiệp, viết bài ngay. Bởi vì, bản thân sự việc phức tạp, cần có văn bản trả lời của cơ quan chức năng. Cũng có những vụ việc thiếu tính điển hình, là việc của cá nhân đơn lẻ, ít bạn đọc quan tâm. Đối với những trường hợp như thế, báo thường đăng tải tin nhắn, rồi làm công văn chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng.
Cũng như các cơ quan báo chí khác, báo Tiền Phong được trao trách nhiệm tiếp nhận và chuyển khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Nhờ việc xử lý đầy đủ, trách nhiệm nên hầu hết các đơn thư do báo Tiền Phong chuyển đi đều nhận được phản hồi. Với công tác lưu trữ và truy xuất đơn thư được số hóa, khi cơ quan chức năng chậm trả lời (theo Luật Báo chí, thời gian cơ quan chức năng trả lời là 30 ngày), Ban BĐ&CTXH sẽ tiếp tục làm tin nhắn hoặc làm công văn nhắc lại. Nhờ vậy, nhiều vụ việc đã được giải quyết bằng con đường “chuyển đơn” này.
Với những đơn thư được xử lý dưới dạng nhắn tin, chuyển đơn, bộ phận xử lý phải đọc kỹ hồ sơ để làm thông tin cô đọng và chuyển đơn đến đúng cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc, hồ sơ dày hàng trăm trang nhưng vẫn được đọc hết để chuyển đơn, làm tin nhắn với độ dài trên dưới 200 từ.
Đơn cử, năm 2021, báo Tiền Phong nhận được đơn của quân nhân Nguyễn Duy Thanh, Trợ lý chính trị Cơ sở 2 Bệnh viện Quân y 110, thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 1, tố cáo một số sai phạm tại bệnh viện này. Sau khi nhận Phiếu chuyển đơn, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 có văn bản trả lời, khẳng định một số nội dung tố cáo của anh Thanh có cơ sở như: Bệnh viện tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi học trước rồi mới có văn bản xin chủ trương của Quân khu; một số cán bộ của bệnh viện nhờ người khác thi hộ để trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Y-Dược Asean; cán bộ không trực tiếp học mà tham gia thi tốt nghiệp… Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng thông báo đã đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xử lý các cá nhân vi phạm.
Đất đai là lĩnh vực báo nhận được nhiều đơn thư nhất (chiếm hơn 70%), phần lớn là các vụ việc nhỏ lẻ, kéo dài. Tuy nhiên, báo đã chọn lọc kỹ càng và xử lý nhiều vụ việc hiệu quả bằng con đường công văn. Ví dụ, năm 2022, báo thực hiện chuyển đơn của ông Trần Ngọc Vụ, trú tại xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc, Nam Định). Ông Vụ phản ánh UBND huyện Mỹ Lộc chậm cấp sổ đỏ cho 104 trường hợp thuộc khu tái định cư Khu công nghiệp Mỹ Trung. Sau đó, UBND huyện Mỹ Lộc có văn bản cho biết: Đây là những trường hợp mà năm 2004, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định thu hồi đất để giao cho Cty Cổ phần Công nghiệp tàu thuỷ (CPCNTT) Hoàng Anh (Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam) để đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Trung. Tuy nhiên, sau đó Cty CPCNTT Hoàng Anh tự xây dựng giá giao đất tái định cư, không trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, tự thu tiền và giao đất cho các hộ dân. Toàn bộ số tiền này không nộp vào ngân sách, nên các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ. Sau đó, UBND huyện Mỹ Lộc xin ý kiến của UBND tỉnh để cấp sổ đỏ bước đầu cho 55 hộ và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đối với số hộ còn lại.
Một số vụ việc dù của cá nhân, đơn lẻ nhưng có dấu hiệu sai pháp luật, trái đạo lý rõ ràng, đội ngũ xử lý đơn thư vẫn nghiêm túc xử lý và xử lý có hiệu quả. Đơn cử, mới đây, báo Tiền Phong nhận được đơn của ông Đào Xuân Thoan, một thương binh 4/4, trú tại phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) kiến nghị việc ông không được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Sau khi chuyển đơn, ngày 17/10/2023, Hội CCB quận Hoàng Mai có văn bản cho biết, ông Thoan đã được là hội viên của Hội. Một vụ việc cá nhân nhưng phức tạp hơn cũng được giải quyết hiệu quả: Đầu năm 2023, chị Cấn Thị Thuỳ Dương, trú tại phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) gửi nhiều đơn trình bày, chồng chị là anh Đàm Truyền Khải không chịu giao con cho chị dù đã có phán quyết của toà. Việc tranh chấp nuôi con sau bản án ly hôn căng thẳng từng ngày, dần đến cao trào. Rất nhanh chóng, báo Tiền Phong chuyển đơn của chị Dương tới Chi cục Thi hành án Dân sự TP Bắc Ninh và UBND TP Bắc Ninh. Lãnh đạo Ban BĐ&CTXH cũng nhiều lần gọi điện, nhắn tin đốc thúc những người đứng đầu các cơ quan này. Trong tháng 3 và 4/2023, hai cơ quan trên có văn bản trả lời, cho biết đã vào cuộc thuyết phục chồng chị Dương và sẽ tiếp tục xử lý. Báo Tiền Phong và một số cơ quan báo chí đăng bài về vụ việc. Sau đó, ngày 24/4/2023, Công an TP Bắc Ninh đã khởi tố vụ án trên. Trước sự việc này, anh Khải sau đó mới chịu giao con cho chị Dương.
Nhập cuộc xác minh
Khi đánh giá vụ việc có nhiều tình tiết mới lạ, điển hình, tác động đến nhiều người, Ban BĐ&CTXH sẽ trực tiếp hoặc phối hợp với các văn phòng đại diện, PV thường trú tiến hành xác minh. Việc xác minh thông tin, viết bài từ đơn thư có lẽ là một phạm vi tác nghiệp phức tạp nhất trong ngành báo chí. Ngoài việc phải nghiên cứu tài liệu, đối chiếu các quy định pháp luật (không khác mấy so với luật sư), PV phải thực hiện nhiều nghiệp vụ báo chí khác như: Nhập vai, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh… Khó nhất trong loại hình báo chí xác minh đơn thư là các đối tượng liên quan thường dền dứ trong hành xử. Trong đó, việc gõ cửa các cơ quan chức năng trong những vụ việc này thường mất nhiều thời gian, công sức. Ngay cả bạn đọc cũng chứa đựng không ít phức tạp. Dù thông tin vụ việc rất hay nhưng nhiều bạn đọc không dám tố cáo chính danh. Thậm chí, nhiều bạn đọc đã sử dụng báo chí như một công cụ. Ví dụ, có bạn đọc ngoại thành Hà Nội tố cáo lãnh đạo xã bán đất nghĩa trang nhưng khi PV về UBND xã, người tố cáo điện thoại báo đã “làm việc” với cán bộ xã, không tố cáo nữa. Có bạn đọc là cán bộ tổ chức một doanh nghiệp lớn của Nhà nước mới đây gửi đơn đến báo tố cáo lãnh đạo. Khi PV vào cuộc, người này lại chủ động đề nghị PV dừng xác minh.
Tuy nhiên, việc xác minh, điều tra theo đơn thư là địa hạt hấp dẫn đối với những người làm báo; thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều giá trị. Đơn cử, năm 2022, báo Tiền Phong nhận được đơn của bà Đặng Thị Tân, trú tại xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) tố cáo việc một mảnh đất được cấp tới 3 sổ đỏ, rất lạ lùng. Số là thửa đất được đề cập được UBND TP Hà Nội cấp sổ đỏ cho gia đình bà, nhưng sau đó UBND huyện Đan Phượng lại cấp sổ đỏ phần lớn thửa đất nói trên cho hai người đàn ông khác. Sau khi nhận đơn, PV Ban BĐ&CTXH tiến hành xác minh rồi được biết: Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác minh khiếu nại của bà Tân là có cơ sở nhưng vụ việc chưa được giải quyết. Sau khi PV vào cuộc, ngày 15/8/2022, UBND TP Hà Nội ra quyết định, giao UBND huyện Đan Phượng thu hồi một sổ đỏ để trả lại cho bà Tân. Mảnh đất còn lại, vì đã bán cho người khác nên phải thêm bước giải quyết tại tòa án.
Trong lịch sử báo Tiền Phong, nhiều tuyến bài hay, hấp dẫn, hiệu quả xuất phát từ đơn của bạn đọc. Hiện nay, dù bạn đọc có nhiều cách thức phản ánh hơn nhưng đơn thư vẫn là một trong những nguồn thông tin quan trọng cho các tuyến bài điều tra. Ví dụ, ngay trong năm 2023, báo Tiền Phong nhận được đơn phản ánh nhiều héc ta rừng tự nhiên ở khu Ba Bố (xã Ngọc Phái, Chợ Đồn, Bắc Kạn) bị chặt hạ. Đánh giá vụ việc nghiêm trọng, Ban BĐ&CTXH cử PV nhập cuộc điều tra. Để vào được rừng Ba Bố, PV nhờ người dân địa phương chỉ lối qua đường mòn. Từ trên cao nhìn xuống, cả vạt rừng tự nhiên rộng lớn đã bị chặt phá. Những cây gỗ lớn có giá trị nằm ngổn ngang, bị cắt thành khúc, xẻ thành khối. Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, PV đã làm việc với các cơ quan chức năng. UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá vụ phá rừng tự nhiên trên là rất nghiêm trọng, nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý. Khi thông tin được báo đăng tải đến bạn đọc chưa lâu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn đã quyết định khởi tố vụ án phá rừng nêu trên.