Hành trình thú vị của “Đường Kách Mệnh”

TP - Từng xuất hiện trong một số triển lãm trước đó, nhưng đây là lần đầu bảo vật quốc gia “Đường Kách Mệnh” được triển lãm riêng và đi cùng những câu chuyện thú vị.

Trưng bày “Ánh sáng từ Đường Kách Mệnh” nhằm dịp kỷ niệm 90 năm xuất bản cuốn “Đường Kách Mệnh”-bảo vật quốc gia. Ảnh: Nguyên Khánh.

Bản gốc đặc biệt

“Đường Kách Mệnh” được công nhận Bảo vật quốc gia đợt đầu năm 2012. Cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng giảng dạy cho đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ấn phẩm “Đường Kách Mệnh” xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930.

Cuốn sách lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính là một trong những bản gốc in năm 1927. Theo lãnh đạo Bảo tàng, đây có lẽ là bản gốc duy nhất còn lưu giữ ở Việt Nam. Cuốn sách được đặt ở vị trí trang trọng nhất của phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong khuôn khổ trưng bày kéo dài ba tháng Ánh sáng từ Đường Kách Mệnh, khai mạc ngày 10/10. “Đường Kách Mệnh” gồm 100 trang in thạch trên giấy nến, kích thước 22x15cm, nội dung còn nguyên vẹn nhưng màu giấy ngả vàng theo thời gian.

Trên bìa cuốn sách có đóng dấu đỏ “Nguyễn Hoan sưu tầm 1958”. Ông Triệu Văn Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là một trong những người tiếp nhận hiện vật quý này. “Cuốn “Đường Kách Mệnh” được đưa về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, bị thực dân Pháp truy bắt và tìm được. Sau đó mật thám Pháp lưu giữ ở toà án tối cao của Pháp, sau này lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hoan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Nam Định, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từng là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Bắc bộ - sưu tầm và tặng lại cho bảo tàng”, ông Hiển nói.

Bà Trần Thị Thu Hà (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết, cuốn sách gắn với tờ trình viết chữ Nôm bằng mực sơn, kể về việc thu được cuốn “Đường Kách Mệnh”. Nội dung cụ thể ghi trong tờ trình: “Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng Hai”. Tờ trình ngày 28/3/1930 (29 tháng hai năm Bảo Đại thứ 5) có chữ ký của Phó lý và dấu của tri huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Ông Triệu Văn Hiển đánh giá, trong bộ sưu tập lớn các văn bản gốc báo chí, truyền đơn, sách lịch sử cách mạng lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trước kia, “Đường Kách Mệnh” là một trong những hiện vật đặc biệt quý hiếm. Một trong những điều may mắn nhất của dân tộc và của những người làm bảo tàng chính là sự nguyên vẹn của cuốn sách khi được đưa về bảo tàng.

Ánh sáng từ “Đường Kách Mệnh”

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng cho biết, ngoài bảo vật quốc gia “Đường Kách Mệnh”, bảo tàng giới thiệu hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh liên quan đến cuốn “Đường Kách Mệnh” và tiến trình cách mạng Việt Nam. Trưng bày nhằm chuyển tải ý nghĩa lớn lao của cuốn “Đường Kách Mệnh” cũng như đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và thế hệ những hạt giống đỏ do Người ươm trồng.

Những người thực hiện trưng bày “Ánh sáng từ Đường Kách Mệnh”, đã sắp xếp các hiện vật, tư liệu theo câu chuyện, bối cảnh lịch sử liên quan tới sự ra đời của “Đường Kách Mệnh”. Vừa bước chân vào phòng trưng bày, người xem tiếp cận hiện vật, tài liệu phác thảo những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sự thất bại của các phong trào này trước những năm 1920 cho thấy Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng về đường hướng cứu nước. Trong bối cảnh đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đường cứu nước tìm thấy con đường giải phóng dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trong khoảng 1919-1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phác họa đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam trong nhiều thư từ, báo cáo bài giảng nhất là nội dung cô đọng trong “Đường Kách Mệnh”.

Một số hiện vật, hình ảnh xuất hiện trong phòng trưng bày gắn với những hạt giống đỏ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt và trao truyền-những người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, hành trình 15 năm tiến tới Cách mạng tháng Tám thành công. Chẳng hạn như chiếc đĩa sứ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ sử dụng những năm 1936-1937, chiếc áo của đồng chí Lê Hồng Phong, chiếc áo gối do Nguyễn Thị Minh Khai làm từ chiếc áo trong tù gửi tặng mẹ hay chiếc vali đựng tư trang sang dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói, phần cuối cùng của trưng bày chính là một số đánh giá về giá trị của “Đường Kách Mệnh”, các tư tưởng mang ánh sáng mới trong tác phẩm, những tư tưởng đặt nền tảng cho cương lĩnh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới của Đảng từ những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước đến nay. PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn không hề kinh viện, không trình bày chủ nghĩa Mác-Lênin theo cách như hiện nay. Căn cứ vào sự hiểu biết thực tế của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ, Người trình bày những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin trong cuốn “Đường Kách Mệnh” hết sức dễ hiểu, ngắn gọn”.

PGS. Phạm Mai Hùng cho rằng nếu nghiên cứu kỹ “Đường Kách Mệnh” sẽ thấy nội dung Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu thời bấy giờ-tư cách người cách mạng- là vấn đề lớn “cho đến nay vẫn còn giá trị thời đại với lời căn dặn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, lấy cái tâm chinh phục người khác”.