Những vụ học sinh tự tử không ngừng diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều cách thức khác nhau. Có nhiều nguyên nhân, song đa phần các em bị bủa vây bởi những áp lực quanh mình, nhất là áp lực về thành tích học tập hoặc bị bỏ rơi, ngược đãi. Khi không có lối thoát, các em thường tìm đến cái chết để giải tỏa những bế tắc.
Mặc dù vậy, những cái chết thương tâm của con trẻ dường như vẫn chưa khiến cho người lớn và cả xã hội thức tỉnh nên vẫn tiếp tục “kê” cao hơn sự kỳ vọng bằng nhiều hình thức khác nhau và “nhồi” thêm những áp lực, thậm chí gia tăng sự ngược đãi khiến con trẻ sợ hãi, quẫn bách rồi bỏ mặc chúng trong “vũ trụ cô đơn”.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM) chia sẻ, anh thường rất sợ mỗi khi được “Mời Tâm lý xuống khoa Hồi sức, có case tự sát…”. Anh cho biết đã tiếp xúc với khá nhiều trẻ được cứu sống sau khi tự sát, trong đó nhiều trường hợp không phải lần đầu tìm cách chết. “Tôi nhận ra nơi các em một sự cô đơn, buồn bã kinh khủng”, vị chuyên gia tâm lý nói.
Theo vị chuyên gia, người ta thường trách cha mẹ không tốt khiến con cái tiêu cực. Nhưng một người cha lớn lên trong đòn roi thì làm sao biết cách dạy con bằng “kỷ luật không nước mắt”. Một người mẹ lớn lên trong hệ thống gia đình ngập tràn lo âu thì việc kiểm soát khắt khe sẽ là một cách để “biểu lộ tình thương”. Trong tâm lý học, người ta có khái niệm về các gia đình rối loạn chức năng để chỉ những gia đình mà việc bỏ rơi, ngược đãi, lạm dụng,…con trẻ đã trở thành “truyền thống qua các thế hệ”.
Quá khứ không bao giờ có thể thay đổi, việc quy trách nhiệm tại ông bà hay tại cha, lỗi ở mẹ hay ở con chắc không làm mọi người hạnh phúc hơn. “Đằng sau những đứa trẻ không hạnh phúc là những phụ huynh chưa từng hạnh phúc”, chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện nói.
Không chỉ phụ huynh hay gia đình, đằng sau những đứa trẻ không hạnh phúc còn là những lớp học, ngôi trường và cả xã hội thiếu vắng hạnh phúc. Các thầy cô giáo và học sinh cũng sẽ không thể vui vẻ hoặc hạnh phúc khi học sinh hay bạn mình gieo mình từ trên cao xuống vì không chịu nổi những áp lực từ việc học hành và cuộc sống gây ra.
Khi người người, nhà nhà, ngành ngành đều quay cuồng chạy theo thành tích và cả những thành tích hão huyền…, con trẻ sẽ mặc nhiên bị ném vào giữa vòng vây áp lực học hành, phấn đấu. Cái giá phải trả, không chỉ là sinh mạng của chính con em mình, học trò mình mà là những công dân què quặt về thể xác lẫn tinh thần trong hiện tại lẫn tương lai.
Đằng sau những đứa trẻ không hạnh phúc là một quốc gia không hạnh phúc. Để những đứa trẻ và quốc gia hạnh phúc, ngay lúc này đây, mỗi người và cả xã hội hãy bắt đầu bằng việc tạo dựng những giá trị cốt lõi, có ý nghĩa đích thực với cuộc sống, thay vì những thành tích ảo.