Chưa có phương án tái sử dụng xà cừ đánh chuyển
Để có đánh giá khách quan về việc di dời cây lâu năm hay trồng mới cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô, nhóm PV đã có cuộc khảo sát tại 2 địa điểm. Đầu tiên là vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), nơi đang chăm sóc hơn 106 cây xanh, chủ yếu là xà cừ cổ thụ, phượng vĩ sau khi đánh chuyển từ tuyến phố Kim Mã. Thứ hai là Dự án trồng 2.900 cây xanh dọc sông Lừ, sông Sét của Sở Xây dựng Hà Nội. Cả 2 đều được thực hiện vào khoảng tháng 9, 10/2016.
Ghi nhận ngày 6/6, tại vườn ươm Đa Tốn, gần 100 gốc cây xà cừ ở đây đã có cành, lá. Những cây phát triển tốt còn có 2- 3 cành mọc từ các hướng khác nhau. Hầu như các thân cây đều được chăm bón cẩn thận, bọc một lớp rơm, bao tải để tránh nắng và giảm thiểu việc thoát nước từ thân cây. Trao đổi với PV, ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Cty BeePro cho biết, cách đây 1 tháng, đã có đoàn đến khảo sát. Kết quả cho thấy, có tới 95% số cây sống khỏe, vượt mong đợi ban đầu khi đánh chuyển. Mỗi cây đều được Cty đánh số riêng để tiện theo dõi và có chế độ chăm sóc hợp lý cho từng cây.
Khi được hỏi về kinh phí chăm sóc hàng trăm cây cổ thụ, lãnh đạo Cty BeePro cho biết, chi phí đánh chuyển, chăm sóc không thể nói là bao nhiêu bởi quy trình chăm sóc mỗi cây một khác. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định: Chắc chắn rất tốn kém vì quy trình ươm cây đòi hỏi nghiêm ngặt, cùng các loại thuốc kích thích cho cây… Được biết, giá một cây xà cừ có đường kính 1,2m là 35 triệu đồng; nếu đánh chuyển và chăm sóc thì chi phí lớn hơn tùy theo đường kính thân cây, có thể đến 50-60 triệu đồng mỗi cây.
Còn tại tuyến đường Trần Đại Nghĩa kéo dài (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dọc theo sông Sét, hàng loạt cây phượng, lát hoa trồng cùng thời điểm tháng 9/2016 phát triển đồng đều, tạo ra nhiều tán lá xanh rộng và nhiều bóng mát.
Phải chi nhiều tỷ đồng cho việc dịch chuyển, chăm sóc từ năm 2014- 2016, tuy nhiên, đến nay chưa có một kịch bản tái sử dụng cây xà cừ cổ thụ sau khi đã sinh trưởng ổn định tại vườn ươm được đưa ra.
Trao đổi với PV, một chuyên gia nêu ý kiến: Nếu cây xà cừ không có trong quy hoạch cây xanh trồng mới, thành phố không có kế hoạch tái sử dụng, chúng ta nên cân nhắc phương án chặt hạ cây xà cừ nằm trong dự án giao thông để tiết kiệm ngân sách. Chi phí cho việc chặt hạ hoàn toàn có thể bù đắp bằng phương thức xã hội hoá thông qua đấu thầu công khai, lựa chọn doanh nghiệp có nhu cầu gỗ nguyên liệu tham gia GPMB. Cùng với đó, chúng ta vẫn lập phương án chăm sóc để bảo tồn những cây cổ thụ còn lại trên địa bàn.
Nên thay thế dần cây xà cừ
Trong cuộc hội thảo bàn về cây trồng trong khu vực đô thị do Sở Xây dựng tổ chức, thống kê của các đơn vị chuyên môn cho thấy, cây xà cừ không phải là loại cây có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão. Cụ thể, từ năm 2014 - 2016 đã có 132 cây xà cừ bị đổ gãy trong mùa mưa bão, gây thiệt hại đến người và tài sản.
Tại Quyết định số 1495 của UBND TP Hà Nội tháng 3/2014, phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cây xà cừ không có tên trong danh sách cây xanh đô thị được lựa chọn. Ngoài ra, trả lời báo chí ngày 6/6, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng khẳng định, quy định của Bộ Xây dựng hiện nay cũng không khuyến khích trồng cây xà cừ trong đô thị.
Trao đổi với PV, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, xà cừ không có trong quy hoạch cây xanh trồng mới nhưng xà cừ vẫn nằm trong hệ thống cây xanh thành phố. Vì vậy, các đơn vị chức năng vẫn phải tiến hành rà soát, lập danh sách thay thế đối với những cây già cỗi, mục rỗng không còn khả năng sinh trưởng, cùng với đó, xây dựng phương án chăm sóc và bảo vệ cho những cây xà cừ cổ thụ còn lại. Đối với những cây xà cừ cổ thụ nằm trong dự án giao thông cần giải tỏa, Sở sẽ yêu cầu đơn vị chuyên môn xây dựng phương án di chuyển và chặt hạ để báo cáo thành phố trước khi phê duyệt.