Khai mạc chiều tối 26/4, triển lãm giới thiệu khoảng 100 tác phẩm của 23 họa sĩ nổi tiếng, phản ánh nhiều giai đoạn khác nhau của hội họa Việt Nam.
Số tác phẩm quý giá này của nhà sưu tập Phạm Văn Thông dày công sưu tập trong suốt mấy chục năm qua. Hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sưu tập cổ ngoạn, ông bắt đầu để ý đến hội họa gần 20 năm nay.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiệp phát biểu trong lễ khai mạc rằng điều đáng quý của bộ sưu tập này ở chỗ, nhà sưu tập giới thiệu tới công chúng những tác phẩm trải dài từ thời họa sĩ mỹ thuật Đông Dương tới các họa sĩ kháng chiến và một số họa sĩ gần đây.
Đây cũng là bộ sưu tập phong phú, đa dạng và có nguồn gốc sưu tầm rõ ràng. Ông Phạm Văn Thông chia sẻ, nhân dịp 30/4 muốn giới thiệu một số tác phẩm quý tới công chúng.
Ông cho biết một trong những điểm đặc biệt nhất của bộ sưu tập là một số tác phẩm xuất sắc của danh họa Nguyễn Sáng (1923-1988)-một trong bốn tứ kiệt trong bộ Nghiêm-Liên-Sáng-Phái. Nhà sưu tập giới thiệu bộ tranh ký họa của họa sĩ Nguyễn Sáng gồm 48 bức bằng màu nước, chì màu, bút sắt. Ông Thông mua lại từ gia đình em trai họa sĩ Nguyễn Sáng là Nguyễn Hoa.
Ngoài tác phẩm, nhà sưu tập giới thiệu hai chiếc ghế đẩu gỗ. Đây là hai chiếc ghế gắn bó với Nguyễn Sáng trong suốt thời gian ông sáng tác và sinh sống tại 65 Nguyễn Thái Học. Hiện vật còn có cuốn tự điển tiếng Pháp do em vợ họa sĩ tặng, một số tấm toan chưa kịp vẽ của Nguyễn Sáng khi ông sinh sống ở TPHCM năm 1988.
Một số bức tranh khác như: Công trường nhà máy của Trần Văn cẩn, Dân quân Bảo Minh của Nguyễn Văn Tỵ. Triển lãm kéo dài hết 29/4.