Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận huyện xây dựng phương án phòng, chống thảm họa, phòng, chống cháy nổ, hỏa hoạn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động lễ hội.
Về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc hướng dẫn đặt hòm công đức trong di tích đúng quy định, quản lý việc thu, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch; hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định.Không để dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch diễn ra trong di tích và lễ hội, không thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hà Nội cũng lên kế hoạch điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nội dung phần nghi lễ trang nghiêm, thành kính; phần hội phong phú, đa dạng, vui tươi, lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng, miền, dân tộc.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý các sở ngành, địa phương xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để hoạt động trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật.
Tại buổi giao ban báo chí chiều 3/3, ông Phan Đăng Long cho biết trong lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre và người xưa quan niệm ai cướp được sẽ gặp may mắn cả năm.
Về những hình ảnh xô xát khi cướp lộc tại hội Gióng được báo chí đăng tải, ông Long cho biết các cơ quan chức năng của thành phố đã tìm hiểu và khẳng định không có chuyện đánh nhau để cướp lộc.
Cũng theo ông Long, một số cơ quan truyền thông đã đăng tải những hình ảnh hỗn loạn từ các lễ hội năm trước, gây hiểu nhầm trong dư luận. Bàn thêm về ý nghĩa của lễ hội này, ông nhấn mạnh không nên hiểu từ “cướp lộc” ở lễ hội Gióng với nghĩa “cướp giật”.