Hà Nội: Thêm 'sức bật' cho nông nghiệp hữu cơ…

TP - Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thành phố đã có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả

Được sự quan tâm của thành phố, thời gian qua các địa phương đã và đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

HTX rau hữu cơ Tiên Dương

Mô hình trồng nho hạ đen của ông Nguyễn Văn Mỡ (xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) nằm ven sông Đáy. Trước đây, trên diện tích ấy, ông sản xuất nông nghiệp thông thường nhưng hiệu quả không cao. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu ông quyết định triển khai mô hình trồng nho hạ đen. Với diện tích 1.500m2, ông trồng 600 gốc nho, cho thu hoạch 2 vụ/năm. Hiện mỗi vụ ông cung cấp cho thị trường từ 15 tấn đến 20 tấn nho, với tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng/vụ.

Để có được kết quả đó, toàn bộ quy trình trồng nho hạ đen đều tuân thủ các quy định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn nữa, để nho sinh trưởng, phát triển và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, ông đưa công nghệ cao vào sản xuất, như: Nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước; nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết.

Từ nhiều năm qua, HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín. Theo đó, toàn bộ quá trình canh tác hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học. Hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại, từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu… Do đó, sản phẩm rau hữu cơ của HTX bảo đảm chất lượng và có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Giá bán rau hữu cơ cũng cao hơn 4.000-5.000 đồng/kg so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), thời gian qua, trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ cho nhiều hộ dân tại các quận, huyện. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có khoảng 2.000 ha trồng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 10 ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của người dân làm nông nghiệp hữu cơ cũng cao hơn từ 10% đến 20% so với sản xuất nông nghiệp thông thường.

Cần thêm “sức bật” cho nông nghiệp hữu cơ

Dù sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng diện tích sản xuất theo phương thức này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Hà Nội. Cùng với đó, người dân chưa mặn mà, chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nguyên nhân là bởi chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, khó cạnh tranh được với sản xuất truyền thống. Hơn nữa, hình thức sản phẩm chưa đẹp, chưa có những khác biệt để thu hút người tiêu dùng, khiến đầu ra còn bấp bênh.

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn và mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người dân về khoa học, kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá bán trên thị trường. Đồng thời, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Được biết, hiện nay Hà Nội đang triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, để phát huy hiệu quả của đề án, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người dân. Ngoài ra, các HTX, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương cần chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực, có lợi thế. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu.