Nhiều dự án chưa về đích
Tháng 5/2019, nước sông Tô Lịch bất ngờ chuyển xanh như màu nước hồ Gươm, khiến người dân Thủ đô hết sức vui mừng. Thời điểm đó, theo lý giải của Cty Thoát nước Hà Nội, do lượng mưa lớn, nước hồ Tây dâng cao, đơn vị phải mở cửa xả vào sông Tô Lịch nhằm hạ mực nước hồ theo quy định.
Cách đó khoảng một thập kỷ, thời điểm cuối năm 2008, Cty Thoát nước Hà Nội cũng đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch, thu được kết quả tốt, đề xuất xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Từ đó đến nay, không ít hội thảo, đề án đã nghiên cứu giải pháp làm sống lại sông Tô Lịch, trong đó có việc bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây, từ hồ Tây chảy vào sông Tô Lịch. Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong, chủ trương này đang tạm thời dừng lại bởi còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có tín hiệu khởi động trở lại.
Liên quan đến việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, UBND thành phố cũng vừa thông tin về dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) – vốn đã “treo” nhiều năm.
Thành phố cho biết, dự án nhằm lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ để cấp nước tưới cho hơn 40 nghìn ha đất canh tác thuộc hệ thống thuỷ lợi sông Nhuệ, đồng thời tạo nguồn cấp nước cho sông Tô Lịch và các nhu cầu dùng nước khác.
Theo UBND thành phố, tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.200 tỷ đồng, hiện tại, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, giải trình hoàn thiện hồ sơ theo quy định, báo cáo nghiên cứu khả thi tiền dự án theo quy định. Một dự án nghìn tỷ khác – Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, Ba Vì) được phê duyệt từ năm 2010, tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, đến nay cũng chưa về đích.
Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, dự án phấn đấu hoàn thiện nhiều nội dung, đảm bảo trong năm 2022 thực hiện đưa được nước sông Đà vào sông Tích phục vụ sản xuất. Giai đoạn II của dự án, sẽ triển khai thực hiện từ 2021 – 2025. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang giải quyết một số nội dung liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Cần chiến lược tổng thể
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xem xét, cho ý kiến về công tác xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nước thải đô thị đạt tiêu chuẩn vào năm 2025. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu thành phố phải làm “sống lại” các dòng sông: Tô Lịch, Tích, Nhuệ, Đáy.
Nêu ý kiến về quyết tâm này của Hà Nội, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khoá XIII cho rằng, làm sạch các dòng sông ở Hà Nội nên là một ưu tiên trong xử lý các vấn đề môi trường hiện nay thành phố đang phải đối mặt. Điều quan trọng, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể, giải quyết từng khâu, từng việc liên quan đến ô nhiễm các dòng sông, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải…
“Dân số Hà Nội ngày một tăng, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp. Các khu đô thị mới mọc lên, các cụm công nghiệp được xây dựng mới. Nhiều nơi, nước thải chưa được xử lý vẫn đổ ra các sông, hồ ở Hà Nội. Tôi nghĩ rằng cần rà soát lại toàn bộ, nơi nào chưa xử lý nước thải phải có biện pháp xử lý nghiêm, truy trách nhiệm của ai, của cơ quan nào. Cùng với đó, phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo đồng bộ, thực chất sẽ giải quyết được vấn đề”, bà An nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đặt ra, thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư thêm nhiều dự án thoát nước và xử lý nước thải với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S1 về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Một dự án tương tự thu gom, xử lý nước thải Tây sông Nhuệ cũng sẽ được đầu tư với số tiền gần 3.000 tỷ đồng, trong khi tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm sẽ tiến hành dự án thoát nước và quản lý nước thải với mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.
Thành phố sẽ bổ sung các dự án này vào danh mục công trình trọng điểm để Thành uỷ đôn đốc triển khai trong nhiệm kỳ. Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi nguồn vốn thực hiện một số dự án như xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Phú Đô thuộc lưu vực S3, công suất 84 nghìn mét khối/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ; tại quận Long Biên xây dựng hệ thống xử lý nước thải An Lạc (39-53 nghìn mét khối/ngày đêm), Phúc Đồng (40 – 55 nghìn mét khối/ngày đêm).
Tại 5 huyện có lộ trình lên quận, nhiều nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ được xây dựng như: Nhà máy xử lý nước thải Cổ Loa; nhà máy xử lý nước thải Yên Viên; nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh; nhà máy xử lý nước thải Lại Yên; nhà máy xử lý nước thải Đại Áng… Các huyện này cũng được giao chủ động nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư các công trình xử lý nước thải cục bộ, quy mô dưới 5 nghìn mét khối/ngày đêm để đáp ứng chỉ tiêu nước thải được xử lý đạt quy chuẩn.
Để giải quyết triệt để, thành phố Hà Nội phát triển nhiều dự án thuỷ lợi kết hợp thoát nước như xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), hơn 3.600 tỷ đồng; tiến hành cải tạo nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ (Thanh Trì), số vốn hơn 2.893 tỷ đồng; nâng cấp và xây dựng mới cụm công trình đầu mối trạm bơm Bộ Đầu (Thường Tín) và xây dựng Trạm bơm Văn Khê, hệ thống tiêu ra sông Hồng (Mê Linh)…