Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đồng thời rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Trong ảnh là lễ chào cờ cuối cùng của quân Pháp ở Hà Nội.
Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của Pháp. Biết trước âm mưu chúng sẽ lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, nên Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy cùng các tầng lớp nhân dân thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho quân giải phóng theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Genève. Đúng 16h ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên.
Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc của Việt Nam.
Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý thành phố. Tất cả cổng làng, khu phố đều được trang hoàng đón đoàn quân giải phóng.
Sau 9 năm sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, hai mươi vạn nhân dân thủ đô náo nức treo cờ đỏ sao vàng, đổ ra đường chờ đón bộ đội.
Sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới..., chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Trong ảnh là bộ đội hành quân đến cầu Đuống, cửa ngõ phía đông của thủ đô.
Những bước chân vừa làm nên chiến thắng Điện Biên đang tiến vào nội thành Hà Nội qua cầu Long Biên.
Đến 6h sáng 9/10/1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp quản nhà ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ.
Bộ đội tiến vào đến đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà trong ngày 10/10/1954.
Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh là đoàn xe đón bộ đội của người Hà Nội.
8h ngày 10/10/1954, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…, đến 9h45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.
Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.
Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế, 10h5 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10h45.
Các lực lượng hội quân trước cổng Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long.
Đến 15h ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Sau đó, hàng chục nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn, thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.