Ông cho biết đâu là nguyên nhân chính khiến xe đạp công cộng Hà Nội chưa thể lăn bánh, trong khi các địa phương khác triển khai sau thì đã đưa vào hoạt động?
Hà Nội là địa phương thứ 2 Cty Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng. Tuy nhiên đến nay sau gần 1 năm thực hiện, xe đạp vẫn chưa lăn bánh trên đường phố Hà Nội, trong khi các địa phương triển khai sau là Vũng Tàu, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Phòng thực hiện sau nhưng xe đã hoạt động. Đây đang là trăn trở của nhà đầu tư.
Sự chậm trễ này là có lý, bởi khác với 5 tỉnh thành phố đã triển khai, thì Hà Nội là đô thị duy nhất có loại hình xe đạp trợ lực bằng động cơ điện (xe đạp điện).
Cụ thể, trong dự án giai đoạn 1 thực hiện năm 2022 - 2023, trong tổng số 1.000 xe đạp được huy động cho dự án thì có đến 500 phương tiện là xe đạp điện (50%). Do là xe đạp đô thị, nên Cty xác định phương tiện từ hình dáng và vận hành phải phù hợp với một đô thị phát triển, và đặc biệt là trọng lượng xe phải khác với các loại xe đạp điện đang bán trên thị trường…
Từ thực tế này, sau nhiều lần nhập xe về, tập thể Cty vận hành thử nghiệm và test kỹ thuật chưa ưng ý nên yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài nghiên cứu điều chỉnh thêm. Đến nay, chiếc xe đạp điện phục vụ dự án đã gần như hoàn thiện khi có hình dáng thanh thoát, trẻ trung và thời trang, và đặc biệt là chỉ nặng như một chiếc xe đạp thông thường.
Việc này, ngoài giúp xe vận hành thanh thoát, vừa giúp cho khách sử dụng có thể ngắt dòng điện để đạp cơ, hoặc nếu xe có hết điện khi di chuyển vẫn dễ dàng đạp chân hoặc nâng, xách tùy ý.
Vậy khi nào xe đạp công cộng Hà Nội sẽ lăn bánh trên đường, có bao nhiêu xe được đưa vào hoạt động thưa ông?
Hiện nay đơn vị đã nhập đủ 500 xe đạp cơ về để phục vụ dự án giai đoạn 1. Hiện Cty đã thống nhất với nhà sản xuất trong tháng 7 sẽ nhận đủ “lô” 100 xe đạp điện đầu tiên để phục vụ dự án. Theo đó, khi có đủ 600 xe (500 xe đạp cơ, 100 xe đạp điện) Cty sẽ triển khai đưa vào hoạt động trong tháng 8/2023. Đây là thời điểm thời tiết Hà Nội cũng đã sang thu, phù hợp để người dân sử dụng xe đạp dạo phố.
Cùng với đó, Cty cũng nhắm vào các dịp nghỉ - lễ, như Quốc khánh 2/9, Rằm tháng 8, Giải phóng Thủ đô 10/10… để được phục vụ đông đảo khách tại Thủ đô cũng như khách từ các tỉnh đến thăm quan Hà Nội.
Tiếp cận xe đạp điện công cộng ở 79 trạm dừng đỗ
Ông có thể cho biết, có bao nhiêu điểm phục vụ xe đạp công cộng và phương thức để người dân tiếp cận ra sao?
Theo kế hoạch phục vụ của dự án, giai đoạn đầu xe đạp công cộng sẽ triển khai ở 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Với các điểm/trạm dừng đỗ xe để phục vụ người dân. Do đó, kế hoạch ban đầu là khoảng 100 điểm, tuy nhiên do lượng xe nhập về giai đoạn này là 600 xe nên số điểm/trạm phục vụ xe đạp công cộng vào tháng 8 tới là 79 điểm/trạm. Trong đó, quận Ba Đình có 22 trạm; Tây Hồ 11 trạm; Hoàn Kiếm 11 trạm; Đống Đa 16 trạm; Hai Bà Trưng 13 trạm; Thanh Xuân gần 10 trạm… Hiện mặt bằng tại 79 trạm này đã được UBND các quận tạo điều kiện, bàn giao để Cty kẻ ô, lắp bảng thông tin. Nhiều trạm đã kẻ ô, lắp bảng thông tin từ năm trước, sau đó xe chưa hoạt động hiện đã bị mờ, những ngày qua Cty đã cử người đi chỉnh trang, kẻ lại.
Để tiếp cận xe đạp điện, sau thời gian khai trương dự án, tại các trạm vận hành Cty sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn khách hàng tiếp cận, trải nghiệm xe đạp điện, trong đó có việc hướng dẫn khách cài đặt app đăng ký, sử dụng và thanh toán phí thuê xe.
Giá vé để người dân tiếp cận xe đạp công cộng là 5.000 đồng/lượt 30 phút với xe đạp cơ; 10.000 đồng đối với xe đạp điện; với giá thuê xe cả ngày 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Ngoài ra, đơn vị vận hành cũng bán vé tháng, quý và năm; hệ thống thanh toán ưu tiên thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Cảm ơn ông!
Đề án xe đạp công cộng Hà Nộiđược nhà đầu tư xây dựng và Sở GTVT trình và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai từ đầu năm 2021. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm), ở giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện để phục vụ người dân Hà Nội; kế hoạch này vừa được cập nhật là Cty nhập trước 600 xe về hoạt động trong tháng 8/2023.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là khoảng 30 tỷ đồng. Để triển khai dự án, Sở GTVT và đơn vị thực hiện đã khảo sát khoảng vị trí để bố trí xe đạp công cộng để phục vụ người dân. Các vị trí này nằm ở 6 quận trung tâm, bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Giai đoạn 2, (dự kiến từ 2024) dự án mở rộng vùng phục vụ: tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.