UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.
Theo tờ trình, tổng nhu cầu đầu tư ban đầu đối với 3 lĩnh vực theo đề xuất ban đầu của 3 Sở và UBND các quận, huyện, thị xã là 109.728 tỷ đồng, 3.303 dự án. Sau khi rà soát bước 1 và chuẩn xác lại các thông tin, xác định nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối các cấp ngân sách, tổng nhu cầu đầu tư còn 97.495 tỷ đồng, 3.385 dự án.
Phân loại theo cấp ngân sách cho thấy, có 236 dự án cấp thành phố, kinh phí 26.621 tỷ đồng; 3.149 dự án cấp huyện, kinh phí 70.874 tỷ đồng (trong đó, cấp huyện đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 33.595 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện tự cân đối 36.583 tỷ đồng); xã hội hoá 695 tỷ đồng.
Nếu phân loại theo lĩnh vực, giáo dục chiếm 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án, gồm 139 dự án cấp thành phố (5.945 tỷ đồng); 1.510 dự án cấp huyện (45.349 tỷ đồng). Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 20.390 tỷ đồng.
Lĩnh vực y tế có nhu cầu 18.513 tỷ đồng với 449 dự án, gồm 39 dự án cấp thành phố (kinh phí 15.000 tỷ đồng); 410 dự án cấp huyện (kinh phí 3.513 tỷ đồng). Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 1.403 tỷ đồng.
Lĩnh vực di tích cần 27.687 tỷ đồng với 1.287 dự án, gồm 58 dự án cấp thành phố (kinh phí 5.676 tỷ đồng); 1.229 dự án cấp huyện (kinh phí 22.010 tỷ đồng). Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 11.802 tỷ đồng.
Cũng theo tờ trình, đối với ngân sách cấp thành phố, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 – 2025 là 42.200,3 tỷ đồng, 1.311 dự án; đã bố trí vốn năm 2021 – 2022 8.390,5 tỷ đồng.
Nhu cầu giai đoạn tháng 3/2022-2025 là 33.809 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 đã cân đối đối với 3 lĩnh vực là 21.759,8 tỷ đồng; số vốn cần bổ sung so với kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 đã dự kiến đối với lĩnh vực trên là 20.440,5 tỷ đồng. Phân kỳ thực hiện giai đoạn sau năm 2025 là 9.194,5 tỷ đồng.
Theo tờ trình, số vốn cần bổ sung so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 là 20.440 tỷ đồng, được bù đắp từ các nguồn: nguồn tăng thu, thưởng vượt thu năm 2021 (13.090 tỷ đồng); từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 (3.000 tỷ đồng); số vốn còn thiếu 4.350,5 tỷ đồng, đề xuất cân đối từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố, hoặc từ tăng thu, thường vượt thu dự toán các năm 2022 – 2024 hoặc xem xét phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo tiến độ thực tế của dự án.
Đối với ngân sách cấp huyện, các quận, huyện, thị xã sẽ cân đối ngân sách cấp huyện 36.583 tỷ đồng để thực hiện. Tờ trình nêu, cấp huyện có thể tự đảm bảo để cân đối thực hiện nhiệm vụ trên.
Xây dựng thêm hàng chục bệnh viện
Tờ trình nêu rõ, với phương án nguồn lực ngân sách cấp thành phố cân đối cho 3 lĩnh vực trong giai đoạn 2021 – 2025 là 42.200 tỷ đồng để thực hiện 1.311 dự án, dự kiến sẽ có 653 dự án xây dựng trường học công lập được bố trí vốn đầu tư.
Sau khi hoàn thành, cấp trung học phổ thông do thành phố quản lý được công nhận mới chuẩn mức 1 là 40, được công nhận chuẩn lại mức 2 là 83 trường, cấp THCS, TH, mầm non do cấp huyện quản lý có 222 trường được công nhận chuẩn mới mức độ 1, mức độ 2 và 292 trường được công nhận lại chuẩn mới mức độ 1, mức độ 2.
Cùng với ngân sách cấp huyện đầu tư hoàn thành tăng thêm 148 trường đạt chuẩn mới và 818 trường đạt điều kiện công nhận chuẩn lại. Dự kiến đến cuối 2025, tổng số trường công lập của thành phố được công nhận đạt chuẩn là 2.040, đạt tỷ lệ 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Sẽ có 238 dự án lĩnh vực y tế được đầu tư xây dựng, bao gồm 39 dự án bệnh viện đa khoa, trung tâm chuyên khoa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng yêu cầu chuyên môn về quy mô, công năng sử dụng, công suất hoạt động.
Cụ thể, gồm 4 bệnh viện tại 4 huyện có đề án thành lập quận; 8 bệnh viện chuyên khoa; 3 bệnh viện khu vực phía Tây, Nam, Bắc; 5 bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 3 trung tâm chuyên khoa và 2 chi cục trực thuộc Sở Y tế; 1 dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế.
Cùng với đó, 199 trạm y tế, phòng khám đa khoa cấp huyện được hỗ trợ đầu tư. Ngân sách cấp huyện sẽ hoàn thành 351 dự án y tế cơ sở, góp phần nâng cao năng lực y tế cộng đồng phục vụ chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh cho nhân dân.
Ở lĩnh vực thứ 3, các cụm di tích Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến gồm 49 công trình do cấp thành phố quản lý và 371 di tích đã được xếp hàng cấp quốc gia, cấp thành phố do các huyện, thị xã quản lý được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, phát huy điểm đến.