Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Quan tâm quỹ đất phát triển trường học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư thành ủy Hà Nội cho biết, giáo dục - đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia, tránh để sau này đô thị hóa không còn quỹ đất như ở các quận hiện nay.

Sáng 8/3, Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD&ĐT của thành phố Hà Nội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện nghiêm tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, thành phố đã chỉ đạo ngành GD&ĐT kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn. Thành phố thực hiện tiêm phòng vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục: Số lượng mũi 1 đã tiêm đạt 99,8% và số lượng mũi 2 đã tiêm đạt 99,5%.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Quan tâm quỹ đất phát triển trường học ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc.

Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM nhằm giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong nội thành Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường cao đẳng, đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Thành phố kiến nghị Bộ tính tới yếu tố đặc thù để hướng dẫn cụ thể các trường trong nội đô không còn quỹ đất mở rộng trường học được phép xây cao tầng hơn và tính bình quân diện tích sàn để xét tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.

Tại cuộc làm việc, liên quan đến việc di dời các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sở dĩ trong 10 năm qua chưa thực hiện được là do thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế và quỹ đất. Nhấn mạnh, đây là việc cần thiết để nâng cao cơ sở vật chất cho các trường và sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Hà Nội cần có quy hoạch rõ ràng, ưu tiên quỹ đất hình thành các khu đô thị, cụm đại học để tạo cơ chế, hỗ trợ các trường di dời khỏi nội đô nhưng vẫn ở thành phố.

Để giáo dục Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị, thành phố cần quan tâm tới quỹ đất tạo ra không gian phát triển mới trong giáo dục theo hướng thực chất, không chạy theo hình thức.

Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo và chất lượng chuẩn đào tạo. Đồng thời, có các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển giáo dục như: Giải quyết tốt vấn đề thừa thiếu giáo viên; giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; phát huy tính đặc thù, lợi thế Thủ đô trong xã hội hoá, phát triển trường ngoài công lập. Đặc biệt, quan tâm hơn vấn đề phát triển đảng để nâng chất lượng đào tạo trong các trường học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ý nghĩa cuộc làm việc, nhất trí với các ý kiến tại buổi làm việc. Bộ trưởng Sơn khẳng định, Bộ sẽ tập trung rà soát các chính sách để mở đường cho giáo dục - đào tạo cả nước, trong đó có Hà Nội phát triển.

“Đề nghị Hà Nội mạnh dạn thí điểm một số chủ trương, chính sách mới để phát triển giáo dục - đào tạo, như hợp tác công tư, tổ chức trường liên cấp, huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ sẵn sàng cử lãnh đạo tham gia tổ công tác phối hợp với thành phố để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Quan tâm quỹ đất phát triển trường học ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Kinh tế đô thị

Giáo dục, đào tạo là 1 trong 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, coi việc sớm đưa học sinh trở lại trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19, thành phố càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học.

Thành phố đã xác định giáo dục - đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Thành ủy cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, tồn tại, trên cơ sở đó xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này.

“Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của thành phố. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia, tránh để sau này đô thị hóa không còn quỹ đất như ở các quận hiện nay”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, tới đây, thành phố báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố trong thành phố, thành phố giáo dục, khoa học, công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục - đào tạo...

MỚI - NÓNG