Nội dung chủ đạo được đưa ra tại hội thảo đó là những thuận lợi, khó khăn, thách thức của các trường Việt Nam khi thực hiện giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, kỹ thuật, toán học) vào các hoạt động dạy học.
Phát biểu tại hội thảo, cô Trần Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương – cho biết, mọi việc ban đầu đúng là vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu, phải “truyền thông” để giáo viên hiểu. Sau đó là “nịnh” học sinh, rồi tiếp đến phải “nịnh phụ huynh”.
Từ những khó khăn ban đầu đó, từ năm 2012, một số giáo viên của trường đã sáng tạo đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép vào các giờ dạy; thông qua các hoạt động trải nghiệm, những học sinh có sự đam mê nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo được giáo viên hướng dẫn thêm. Do vậy câu lạc bộ STEM được hình thành với khoảng 50 học sinh thời gian đầu.
Kết quả nhận được khi thực hiện giáo dục học sinh thông qua trải nghiệm là số lượng các sản phẩm giáo viên và học sinh làm ngày càng tăng và có tính ứng dụng cao, CLB dần thu hút thêm giáo viên và học sinh tham gia.
Là người được cô Thảo đánh giá là “thừa năng lượng sáng tạo”, cô Mạc Thị Thanh Bình, chủ tịch công đoàn nhà trường đã chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế khi thực hiện hoạt động giáo dục STEM.
Cô Bình khẳng định có nhiều lợi ích mà giáo viên và học sinh nhận được trong quá trình triển khai thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường như giáo viên có nhiều bộ đồ dùng dạy học phục vụ các môn học; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tự nghiên cứu, tự học, tự bồi dưỡng. Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá cao bởi các hoạt động trải nghiệm được tổ chức cùng với những bộ đồ dùng dạy học tự làm hiệu quả.
Với học sinh, các em tự tin khi tham gia trải nghiệm, sáng tạo trong các cuộc thi; đồng thời rèn luyện được nhiều kĩ năng cần thiết.
"Năm thứ 3 triển khai STEM, chúng tôi có 600 học sinh tham gia với 950 sản phẩm. Chúng tôi tự hào vì trên 100 học sinh của trường đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã phát bằng chứng chỉ" - cô Mạc Thị Thanh Bình cho hay.
Hội thảo cũng đã lắng nghe ý kiến chia sẻ từ các đại biểu đến dự. GS. Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã khái quát những nét mới cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo dục STEM.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, STEM không phải là một môn học độc lập, nó là một hoạt động giáo dục có hình bóng trong tất cả các môn học khác. “STEM chính là việc đưa kiến thức lý thuyết để xử lý các tình huống thực tế” – GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Cũng theo GS. Thuyết, STEM không phải chỉ liên quan đến vấn đề khoa học tự nhiên. Ở Mỹ, STEM ngoài các môn học liên quan đến khoa học tự nhiên còn có STEM là các môn mang giá trị khoa học nhân văn.