Sau Thái Nguyên và Lạng Sơn, điểm đến tới đây của Việt Hoàn là Hải Phòng (20/5) và Hải Dương. Anh còn tự viết bài hát về địa phương mà mình đến diễn. Việt Hoàn chia sẻ hậu trường chuyến lưu diễn có sự tham gia đắc lực của bà xã.
Được biết sau mỗi đêm diễn anh lại trích tiền hỗ trợ một hoàn cảnh khó khăn?
Đúng vậy, tôi chọn những hoàn cảnh còn có hy vọng, có tương lai. Như vừa rồi ở Bắc Giang, tôi kêu gọi giúp đỡ gia đình có 6 đứa con, đứa lớn 17 tuổi, bố mẹ mất cùng một tháng, ở với bà nội bắt đầu lẫn. Qua cộng đồng mạng và báo chí, các cháu đã có vài trăm triệu làm sổ tiết kiệm chi trả hàng ngày. Còn những người rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng e quá tầm tay của tôi và khả năng một đêm diễn nhỏ nhoi có thể làm được.
Những hoàn cảnh như thế cũng giống thời thơ ấu của tôi. Lúc tôi mới 6 tuổi, bố mất để lại 6 người con, anh lớn chỉ 16-17 tuổi. Có lần bão lụt đang đêm nhà đổ sập phải đi ngủ nhờ, nhưng mẹ vẫn lo cho chúng tôi học được.
Nội dung các chương trình của anh tại mỗi tỉnh có gì giống và khác nhau?
“Thời buổi âm nhạc bão hòa vì rất nhiều gameshow nhiều tỉ, làm sân khấu hoành tráng hơn liveshow của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được truyền hình trực tiếp. Nó là một trong những tác nhân không thúc đẩy người ta đến rạp. Khán giả bị tước dần cơ hội xem nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu, đắm mình trong không khí nghệ thuật sống động”.
NSƯT Việt Hoàn
Tôi thay đổi theo vùng miền. Ở các tỉnh miền núi tôi dùng nhiều bài hát ca ngợi vẻ đẹp của miền núi. Trong hai đêm nhạc trước, tôi sáng tác hai ca khúc Thiết tha tình người Lạng Sơn và Thái Nguyên tình em tình anh phổ thơ một người bạn. Ở Hải Phòng sử dụng ca khúc Hải Phòng yêu thương của nhạc sĩ Trần Hữu Ái phổ thơ một chị bạn rất thân của tôi. Mỗi tỉnh tôi phải tìm được chất liệu âm nhạc phù hợp mảnh đất đấy, con người đấy chứ không lặp lại.
Chi phí một show cũng chỉ hết hơn 100 triệu thôi. Rất may show nào tôi cũng làm đúng như kế hoạch, thu về 120-140 triệu. Trừ chi phí thì tiền thực sự mà tôi nhận về được 20 triệu, bằng đúng cat-xê của tôi nếu diễn sự kiện ở tỉnh. 10 triệu để nuôi dưỡng tôi và bù vào tiền làm nhạc, còn 10 triệu để làm từ thiện. Dù thế nào tôi cũng phải chắt chiu bỏ ra được 10 triệu để giúp đỡ cho một hoàn cảnh. Đó là mục đích lớn lao nhất. Còn cái được lớn nhất là được hát cái mình thích và hát cho người thích nghe mình.
Vợ anh còn song ca cùng chồng trong đêm diễn ở Lạng Sơn. Anh định đưa bà xã vào nghề?
Dự án mang tính nhân văn, nên tôi được vợ ủng hộ nhiều. Cô ấy tham gia hậu cần. Số nào thấy mọi người còn thòm thèm thì tôi kéo cô ấy lên song ca, kiểu để… câu giờ. Chứ cô ấy vẫn làm MC truyền hình của VOV, có điều tạm thời cô ấy nghỉ không ăn lương một thời gian để giúp tôi dự án này.
Anh cảm nhận tình cảm của khán giả ở tỉnh thế nào?
Hơn rất nhiều ở Hà Nội. Khán giả Hà Nội được o bế, được miễn phí quá nhiều (thường xuyên có hội nghị khách hàng lớn mời những ngôi sao rất to) và bị bão hòa về âm nhạc. Ở tỉnh nhỏ cơ hội gặp nghệ sĩ rất ít, đâm ra khán giả vô cùng tuyệt vời. Tôi diễn hai tiếng xong, họ sẵn sàng ngồi im chờ mình xuống chụp ảnh. Tôi diễn xong 10 giờ, bao giờ dứt ra khỏi hội trường cũng là 11 giờ hơn. Tổ chức theo kiểu của tôi đúng là mình đem âm nhạc đến tận tay người tiêu dùng, và mình gặp đúng đối tượng thích mình chứ không phải gặp cả những đối tượng không thích mình khi hát cho sự kiện.
Nhân dịp làm show ở Hải Phòng, anh có thể kể một kỷ niệm thuở hàn vi mới bước vào nghề ở đây?
Khi tôi ra Hải Phòng công tác tại Đội Văn nghệ Công an thành phố, mọi người đều nghèo như nhau. Trong ngành nên cũng được ưu ái, những khi thanh lý kho hàng buôn lậu. Có lần mỗi người được 3 chai bia. Về khui ra bia đã đóng cặn thế mà vẫn uống vô tư. Ngày ấy chưa có khái niệm hàng quá đát hay độc hại. Tôi nghiện thuốc lá toàn phải ra quán nước gần cơ quan mua chịu. Ngày ấy khổ như thế, vẫn yêu nghề vẫn say đắm với nghệ thuật, lên sân khấu với chỉ một chiếc quần tích kê ở mông thì bây giờ mình có thể làm được nhiều điều hơn những gì mọi người mong đợi ở mình.