Giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc: Mở rộng thị trường rau quả

TP - Dù biết giá cả bấp bênh, có lúc giá rẻ như bèo, thậm chí phải đổ bỏ… tại cửa khẩu, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chính tiêu thụ vải và nhiều rau quả khác của Việt Nam. Để hạn chế sự phụ thuộc này, theo các chuyên gia, cần làm ăn với Trung Quốc một cách chính ngạch, đồng thời tăng tiêu thụ nội địa, chế biến sâu và mở ra các thị trường tiềm năng mới. 
Để tránh tình trạng “tắc” vải ở cửa khẩu cần tăng tiêu thụ nội địa

Đến hẹn… lại lo


Ông Đỗ Văn Thắng, thôn trại 3, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng trên 5.500 m2 vải thiều. Ông tính nhẩm hơn chục ngày nữa là bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, và năm nay cho sản lượng khoảng 6,5-7 tấn, cao hơn năm ngoái. Thế nhưng, ông Thắng cũng như nhiều nông dân trồng vải khác ở Lục Ngạn, vẫn nơm nớp nỗi lo thương lái ép giá, và sợ nhất là “tắc” ở cửa khẩu với Trung Quốc. “Chở một tạ vải ra điểm thu mua nhưng về báo với vợ chỉ 80-85 cân, vì bị thương lái trừ đủ đường. Vải chỉ thu hoạch trong thời gian ngắn. Một người mua, cả nghìn người bán, nên buổi sáng bán 20-25 nghìn đồng/kg, đến trưa chỉ còn 10-12 nghìn đồng/kg là chuyện thường”- ông Thắng nói. 

Trong khi đó, trên thị trường, loại vải chín sớm giá cả cũng diễn biến trái chiều. Anh Bùi Quang Phương, thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn trồng khoảng 6 ha vải U hồng, một loại vải chín sớm chất lượng cao. Mấy hôm nay, thương lái vào tận vườn nhà anh đặt mua với giá 28-30 nghìn đồng/kg, cao hơn năm ngoái 5-7 nghìn đồng/kg. Theo anh Phương, nếu giá vải ổn định, năm nay gia đình anh có khả năng đút túi khoảng 200 triệu đồng từ vườn vải.

“Bộ KH&CN cần tác động để đẩy nhanh việc Nhật chuyển giao công nghệ bảo quản tế bào cho Việt Nam. Năm ngoái họ mang về Nhật 2 cân vải tươi, một năm sau, đưa ra vẫn tươi như mới hái. Năm nay, dự kiến sẽ chuyển một container vải sang Nhật đóng gói để bán. Con đường nhanh nhất là để họ làm thị trường, chế biến ở mình và xuất về nước họ”.

 Ông Đoàn Xuân Hòa

Tuy nhiên, tại Phố Kim, một trong những điểm thu mua vải lớn nhất Lục Ngạn, giá vải chỉ được thương lái mua với giá 9-12 nghìn đồng/kg. Theo các thương lái, loại vải bán nhiều ở đây không “đọ” được vải U hồng về mẫu mã, cũng như độ thơm ngon, nên giá thấp hơn. Mặt khác, do việc kiểm soát tải trọng xe gắt gao, khiến thương lái không thể mua với giá cao hơn. 

Nhìn một vụ vải được mùa, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch huyện Lục Ngạn phấn khởi: Với khoảng 18.000 ha, sản lượng vải toàn huyện năm nay dự kiến đạt 90.000 tấn (chiếm 2/3 sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang), cao hơn năm ngoái khoảng 18.000 tấn. Năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính, chiếm khoảng một nửa sản lượng của địa phương.

Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho hay, hiện hoạt động buôn bán vải với phía Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, để hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhất là vào thời kỳ chính vụ, huyện, tỉnh cũng chủ động mở các hội nghị xúc tiến, tiêu thụ vải với các địa phương có cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh; các địa phương tiêu thụ nhiều là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…; mở rộng thêm các thị trường tiềm năng ở Úc, Lào, Campuchia.

Hiện nhiều thương nhân Trung Quốc đã có mặt ở Lục Ngạn để nhờ người bản địa đứng ra thu mua, còn họ giám sát, theo dõi qua các đại lý, đầu cân. Việc mua bán chủ yếu là thỏa thuận, không có hợp đồng giao kèo, tuy nhiên, thương nhân Trung Quốc thường mua vải với giá hơn 30-50% so với thương nhân Việt Nam. Tại Lục Ngạn, hiện có hơn 1.000 điểm cân mua vải (chủ yếu là quả tươi), trong đó có trên 320 điểm cân lớn (từ 10-15 tấn/ngày).

Nhiều rau quả khác của Việt Nam cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc như: thanh long, xoài, nhãn, chuối, dừa và dứa. Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước năm 2013 đạt 1,1 tỷ USD. Còn 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 276 triệu USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Rau quả của Việt Nam xuất đi trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan… Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Liên kết, mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, phần lớn rau quả của Việt Nam xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó, Trung Quốc thường áp dụng chính sách thương mại biên giới địa phương, nên không ổn định, nhiều rủi ro. 

Để mở rộng thị trường, vài năm gần đây, Việt Nam xuất rau quả đi nhiều nước như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… nhưng phần lớn là thanh long. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đưa một cân thanh long đi Mỹ, giá trị bằng 10 lần xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những thị trường trên yêu cầu hàng rào kỹ thuật cao, nhất là về vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện có vấn đề, họ sẽ cảnh báo, nếu không cải thiện, khắc phục, họ dừng nhập. 

Theo ông Hồng, cần đẩy nhanh xúc tiến rau quả sang một số thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Chi Lê, New Zealand. “Chúng ta phải hình thành nên những vùng nguyên liệu chuyên xuất Mỹ, Nhật Bản, EU… Lúc đó, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ dễ thực hiện hơn”- ông Hồng nói. 

Ông Đinh Cao Khuê, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Rau quả cho hay, năm nay, riêng trong tháng 5, đã có 11 đoàn của Nhật sang làm việc về tiêu thụ rau quả, và riêng ở Cty ông đã ký được khoảng 3.000 tấn vải lạnh xuất đi Nhật Bản. Theo ông, Nhật yêu cầu rất chặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Tuy nhiên, qua phân tích, quả vải U hồng, U trứng, U thâm của Bắc Giang có thể xuất sang Nhật. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu lớn về tiêu thụ các sản phẩm từ vải, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng kịp cho họ hay không. 

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), về lâu dài, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh tình trạng như cả nghìn xe dưa hấu tắc ở Tân Thanh (Lạng Sơn) như vừa rồi, quả vải cần giải pháp tăng tiêu thụ nội địa. 

“Chúng tôi đang liên hệ với Sở Công Thương Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM và 2 khu công nghiệp lớn là Bình Dương, Đồng Nai… Nếu tổ chức được hội nghị với các địa phương trên, cùng với các doanh nghiệp, chợ đầu mối lớn, sẽ tiêu thụ trong nước lượng vải lớn. Hơn nữa, sẽ mời hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các hệ thống phân phối như Metro, Big C, Hapro, Sài Gòn Co.opmart… để đẩy nhanh tiêu thụ”- ông Quyền nói. 

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối nói: “Ở Nhật họ bán 5 quả vải giá 16 USD. Tôi không tin nổi”. Quả vải ngon bao nhiêu, lại càng khó tiêu thụ bấy nhiêu, vì thời gian thu hoạch ngắn. Trong khi đó, việc bảo quản tươi vải là một việc rất khó khăn, vì vải thoát hơi nước rất nhanh.

Nhiều chuyên gia nhận định, do ảnh hưởng những căng thẳng trên biển Đông, xuất khẩu nông sản, trong đó có rau quả sang Trung Quốc có thể giảm sút. Đặc biệt, một số mặt hàng phần lớn xuất sang Trung Quốc như vải (tới 97% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này), sắn (trên 80%), thanh long (gần 70%), dưa hấu (trên 55%), chuối (25%). Do vậy, nếu không sẵn sàng các giải pháp, những mặt hàng trên có thể bị dư thừa.