Công nghệ Genuity được tích hợp trên nền tảng giống ngô lai Dekalb quen thuộc. Việc kiểm soát cỏ dại sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều do bà con nông dân có thể phun trùm thuốc trừ cỏ MAXER 660SC trên ruộng ngô Dekalb Genuity mà không cần phải che chắn.
Với gói giải pháp này, nông dân sẽ có thêm lựa chọn để bảo vệ ngô khỏi sự phá hoại của sâu hại và cỏ dại, nâng cao sản lượng, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu ngô trong nước và giảm nhập siêu cho Việt Nam. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu 5,7 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, sẽ cần 7 kg ngô để sản xuất ra 1 kg thịt bò. Mức sống cải thiện, các món ăn giàu đạm cũng được ưa chuộng hơn, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng, sữa gia tăng đột biến.
Được biết, trước khi thương mại hóa, hơn 16.000 nông dân tại 200 địa điểm trên toàn quốc đã được Dekalb Việt Nam chuyển giao kiến thức, ứng dụng thử nghiệm công nghệ mới. Ông Lưu Văn Trần (xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nông dân được trồng giống ngô mới từ đầu năm 2014 chia sẻ: Ông cảm thấy hài lòng vì bớt được nhiều công sức chăm sóc ngô. Vừa bớt được công làm cỏ, vừa không phải phun thuốc trừ sâu. Nông dân Nguyễn Thị Xuân (xã Hồng Bom, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, nhìn thấy hiệu quả của giống ngô, nhiều nông dân đã tìm mua nhưng chưa có bán. Nay, giống Dekalb Genuity đã bán ngoài thị trường với khoảng 190.000 đồng/kg. Tuy giá có đắt hơn giống ngô lai thường khoảng 70.000 đồng, nhưng do bớt được nhiều chi phí, cộng với năng suất cao, chất lượng hạt thương phẩm tốt và đồng đều hơn, dự báo hiệu quả kinh tế mà giống Dekalb Genuity mang lại cho nông dân sẽ cao hơn so với những giống ngô thường.
Ông Narasimham Upadyayula, Tổng Giám đốc Dekalb Việt Nam cho biết, ngoài giống ngô mới công ty sẽ chuyển giao công nghệ canh tác tiên tiến để đảm bảo bà con nông dân cùng gặt hái thành công với giống ngô mới – một thành quả của công nghệ sinh học. Đại diện Cty Dekalb Việt Nam dự báo, trong năm 2016, ngô chuyển gene có thể chiếm 12 – 15% tổng diện tích canh tác ngô.