Nghịch lý dầu mỏ thế giới:

Giá dầu lao dốc, lượng khai thác vẫn tăng mạnh

TP - Trong thời gian qua, giá dầu mỏ trên thế giới liên tục lao dốc và nhiều chuyên gia còn đưa ra những dự báo hết sức ảm đạm - giá dầu trong tương lai không xa có thể xuống đến mức 25 USD/thùng. Thế nhưng, tất cả những nước sản xuất dầu nhiều nhất vẫn chăm chăm tăng sản lượng khai thác.
Công nghệ sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang chiếm ưu thế

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu lao dốc nhưng phần lớn các chuyên gia nêu lên hai nguyên nhân chính. Một là thị trường thế giới đã có quá nhiều dầu, cung đã vượt cầu quá xa, và hai là (nguyên nhân này có liên quan chặt chẽ với nguyên nhân thứ nhất), nền kinh tế thế giới đang lâm vào giai đoạn khó khăn nên nhu cầu sử dụng dầu giảm sút mà điển hình là nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới. 

Không ai nhượng bộ ai

Nhưng điều nghịch lý, theo nhận xét của hãng Bloomberg, là ở chỗ “không một ai muốn nhượng bộ”. Trong tình hình cung tăng và cầu giảm như hiện nay, lẽ ra phải kích giá lên bằng cách hạn chế việc khai thác nhưng tất cả những nước sản xuất dầu nhiều nhất – Saudi Arabia, Nga, Mỹ và một vài nước khác - lại hành động theo chiều ngược lại, họ chỉ chăm chăm tăng sản lượng khai thác. Nói theo ngôn ngữ của tờ The Wall Street Journal, tất cả những nước có thể khai thác dầu đều khai thác tới mức tối đa.

Theo số liệu của Bloomberg, Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC từ hơn một năm nay đã tăng mạnh sản lượng khai thác dầu, vượt quá định mức trước đây tới 30 triệu thùng/ ngày. Saudi Arabia cũng không chịu kém cạnh: hồi tháng 6 vừa qua, nước này đã khai thác 10,564 triệu thùng/ngày, phá kỷ lục lượng khai thác dầu trong một tháng được thiết lập từ năm 1980.

Nga còn khai thác nhiều hơn thế. Theo số liệu của hãng Reuters, Nga khai thác mỗi ngày khoảng 10,71 triệu thùng và dự định sẽ còn tăng thêm trong tương lai. Mỹ cũng lao vào cuộc chạy đua tăng sản lượng khai thác dầu. Theo số liệu của Viện dầu mỏ Mỹ, hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ khai thác 9,52 triệu thùng/ngày, tăng 8,8% so với một năm trước.

Tổng Thư ký OPEC Abdullah al-Badri tuyên bố  không giảm sản lượng khai thác dầu

Iraq tuy “khiêm tốn” hơn nhưng hồi tháng 6 cũng khai thác tới 4,1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra còn phải kể đến những nước như Venezuela, Mehico, Canada, Nigeria, Angola, Indonesia và một số nước khác. Tất cả đều gia tăng sản lượng khai thác dầu. 


Tất cả đều lao vào cuộc cạnh tranh giành giật thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới. Đấy là chưa nói đến Iran. Một khi các biện pháp trừng phạt nước này được bãi bỏ, dầu mỏ Iran chắc chắn sẽ khuynh đảo thị trường dầu mỏ thế giới và sẽ làm cuộc cạnh tranh thị phần còn gay gắt hơn.

Cuộc giành giật vô vọng?

Có thể minh hoạ cuộc giành giật thị trường này qua trường hợp Saudi Arabia. Nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng sở dĩ Saudi Arabia và các vương quốc dầu mỏ vùng vịnh Persic tăng sản lượng khai thác là vì họ muốn buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ phải giảm lượng khai thác. Để đạt được mục đích này, Saudi Arabia cùng các đồng minh sử dụng lượng dự trữ vàng và ngoại tệ khổng lồ của họ, nhờ thế, họ có thể cầm cự được một thời gian dài trong điều kiện giá dầu xuống thấp.

Nhưng tình hình trong thời gian qua cho thấy hy vọng của Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh rất có thể trở thành vô vọng. Các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ, kể cả các nhà sản xuấy dầu đá phiến, cũng tiếp tục tăng cường khai thác dầu bất chấp việc giá dầu lao dốc. Vấn đề ở đây không chỉ là chuyện tranh giành thị trường mà còn ở chỗ việc hoàn thiện thường xuyên công nghệ sản xuất dầu đá phiến đã khiến loại dầu này đem lại lợi nhuận ngay cả khi giá dầu xuống thấp.  

Sở dĩ , xảy ra nghịch lý “giá lao dốc, khai thác tăng” không phải vì có một âm mưu quốc tế chống lại một nước nào đấy (như chống Nga chẳng hạn). Nghịch lý đó chỉ phản ánh cuộc tranh giành thị phần ngày càng quyết liệt trên thị trường dầu mỏ thế giới.


Theo Theo Moskovski komsomoles