Sáng 14/7, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình thành phố tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 7/2024 với chủ đề “Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số - Sự hài lòng của người dân”.
Tại chương trình, cử tri Nguyễn Đình Phúc nêu thực tế vẫn còn tình trạng người dân đã chuẩn bị bộ hồ sơ theo biểu mẫu quy định, nhưng khi đến làm việc tại cơ quan nhà nước thì cán bộ, công chức vẫn hướng dẫn phải làm thêm một số bản giải trình hoặc một số yêu cầu khác.
Tuy nhiên, làm xong yêu cầu này, khi đến đơn vị khác thì cán bộ khác lại cho biết “mẫu này không đúng”.
Cũng theo ông Phúc, có trường hợp theo quy định là trả kết quả online nhưng cán bộ lại yêu cầu trả bản giấy.
“Với trường hợp này, chính quyền thành phố có giải pháp nào để hạn chế các yêu cầu mang tính chủ quan như vậy không”, ông Phúc thắc mắc.
Từ tình trạng nói trên, cử tri này đặt vấn đề chính quyền thành phố nên áp dụng phí đối với một số dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).
“Tôi nghĩ người dân cũng rất đồng tình và sẵn sàng trả phí nếu công việc của mình được giải quyết một cách hiệu quả”, ông Phúc bày tỏ.
Liên quan việc cán bộ yêu cầu thêm bản giấy khi thực hiện TTHC, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, các TTHC hiện nay đã được ban hành đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định 45 năm 2020 cũng như Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Theo đó, nhà nước đã quy định kết quả giải quyết TTHC bản điện tử và được chuyển đổi từ văn bản giấy có giá trị như văn bản giấy và có thể được truy cập sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.
“Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ những quy định khác mà luật quy định thêm”, bà Thủy nêu rõ.
Cũng theo lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM, TTHC hiện nay đã được đồng bộ với việc công bố văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, TTHC là quy tắc xử sự chung và áp dụng cho số đông. Sau khi được ban hành, chậm nhất là 20 ngày khi văn bản đó có hiệu lực thi hành thì các cơ quan có thẩm quyền phải công bố công khai TTHC cho mọi người được biết. Như vậy, khi làm TTHC, người dân chỉ cần gõ tên TTHC thì sẽ có được đầy đủ thành phần hồ sơ kèm theo, sẽ không có thủ tục nào chung chung và gây khó hiểu.
Đảm bảo mục đích cải cách nền hành chính thành phố
Về đề xuất nên thu phí thêm để dịch vụ công trôi chảy hơn, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, nhà nước không khuyến khích thu thêm lệ phí của các cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC bởi nếu thu sẽ gây khó khăn cho người nghèo, các đối tượng yếm thế.
“Chúng ta cũng cần quan tâm đến sự bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công của nhà nước. Đồng thời, các chính sách, nhiệm vụ cũng chú tâm đến bản chất của nhà nước ta là nhà nước do dân, vì dân, phục vụ nhân dân”, bà Thủy chia sẻ.
Đại diện UBND TPHCM cho rằng nếu có thông tin về các cơ quan, đơn vị do chưa hiểu thấu đáo chủ trương của nhà nước thì người dân nên mạnh dạn thông tin lại cho UBND thành phố hoặc qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để thành phố có sự phối hợp, điều chỉnh với các đơn vị nhằm thực hiện đúng nhất chủ trương và đảm bảo mục đích cải cách nền hành chính thành phố hiện nay.
Trao đổi thêm về việc này, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết vừa qua TPHCM đã ban hành chính sách thu phí 0 đồng (miễn phí) đối với gần 100 thủ tục dịch vụ công thuộc 5 nhóm, lĩnh vực liên quan đến hộ tịch, cấp giấy phép lao động ở nước ngoài, cấp giấy chứng nhận đất đai, giấy phép kinh doanh và cấp giấy phép xây dựng...
“Đây là một chủ trương, chính sách rất lớn của thành phố trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC”, ông Thành khẳng định.