Hiện 3 cơ sở giết mổ công nghiệp đang hoạt động gồm Cty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín), Cty CP Việt Nam (Chương Mỹ), Cty cổ phần Đông Thành (Đông Anh). Tuy nhiên công suất thực tế của các cơ sở giết mổ này đang hoạt động khá thấp, sản lượng giết mổ đạt khoảng 8,75 tấn thịt gia súc, 50 tấn thịt gia cầm/ngày.
Về cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp có 14 cơ sở, sản lượng đạt khoảng 152,5 tấn thịt gia súc/ngày, 11,6 tấn thịt gia cầm/ngày. Cơ sở giết mổ tập trung thủ công có 5 khu, hoạt động với số lượng giết mổ cung ứng hằng ngày khoảng 93 tấn thịt gia súc, 6 tấn thịt gia cầm. Đáng chú ý, toàn thành phố có 2.490 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gây ô nhiễm môi trường với số lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày. Như vậy trên địa bàn, công suất giết mổ thực tế tại cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp và cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng được khoảng 44% sản phẩm giết mổ trên địa bàn có kiểm soát. Số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ 56%.
Đề cập các giải pháp để hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tăng số cơ sở và nâng công suất giết mổ lên 6 cơ sở giết mổ công nghiệp đạt 205 tấn thịt gia súc/ngày; 180 tấn thịt gia cầm/ngày (tổng 395 tấn/ngày)… Phát triển thêm 6 đến 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, tập trung, số lượng giết mổ 205 tấn/ngày (trong đó bao gồm khu giết mổ Bình Minh (Thanh Oai); Quang Lãng, Tri Thủy (Phú Xuyên).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị, Sở NN&PTNT cùng các huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm cơ sở giết mổ thủ công và có cơ sở thay thế phù hợp. Đồng thời tăng cường nâng công suất, cải tiến kỹ thuật của các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp để từ đó thu hẹp các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.