Đường sắt đô thị thi công ì ạch: Người dân chui 'cửa tử'

TP - Chưa hết gây lo ngại với những vụ tai nạn nghiêm trọng, đội giá hơn 60%, Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông lại khiến người dân Hà Nội bức xúc trước tình trạng thi công ì ạch và bắt phương tiện chui qua nhiều “cửa tử”.
Vào giờ cao điểm lưu lượng xe đi qua công trường ga La Thành thường ùn tắc với giàn giáo chỉ là những ống thép liên kết khiến nhiều người dân lo lắng khi đi qua đây. Ảnh: Như Ý.

Bài 1: “Bẫy” giàn giáo

Ngoài đường ray, công trường tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn có gần 10 nhà ga đang thi công. Hầu hết giàn giáo trùm toàn bộ lòng đường nên gây ùn tắc triền miên. Tai nạn rình rập người tham gia
giao thông.

Ùn tắc kéo dài

Bị công trường trụ cầu và nhà ga nút Thanh Xuân chiếm dụng, đường nhánh hai bên không được nhà thầu thảm kịp thời nên sáng 26/3 ùn tắc kéo dài trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông). Đến giờ cao điểm, phương tiện gồm ô tô, xe máy xếp ken đặc đường Nguyễn Trãi theo hướng Thanh Xuân – Hà Đông, phải đến 9h sáng sau khi có sự can thiệp của CSGT nhiều chủ phương tiện mới thoát ra khỏi nút Thanh Xuân để đi làm. Tắc đường triền miên giờ cao điểm do vướng công trường, lô cốt thi công. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, trên trục đường Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông) hiện có 7 nhà ga cùng thi công.

Khác với việc xây trụ cầu đường ray - chỉ rào đường ở dải phân cách giữa, việc thi công các nhà ga phải rào toàn bộ đường. Tại các ga như Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Đông, La Khê… để có đường cho phương tiện lưu thông, nhà thầu đã phải mở rộng làn đường bằng cách xén vỉa hè, thảm lại mặt. Với nhà ga Phùng Khoang, bến xe Hà Đông (cũ) do vỉa hè không rộng nên nhà thầu đã làm đường chui để phương tiện đi qua giàn giáo. Tuy nhiên vào giờ cao điểm, nhất là vào những hôm trời mưa, mặt đường mở rộng bị ngập nước, phát sinh ổ gà khiến phương tiện đi lại khó khăn, gây ùn tắc kéo dài.

Trên phố Hào Nam, từ khi công trường ga La Thành được dựng lên, tình trạng ùn tắc kéo dài tại nút giao Hào Nam - Xã Đàn thường xuyên xảy ra. Do lòng đường Hào Nam hẹp nên giàn giáo thi công tại đây đã dựng bao trùm cả hai bên lòng đường.

Vừa chui “cửa tử” vừa run

Dù biết chui qua các công trình thi công nhà ga sẽ rất nguy hiểm, nhưng do là đường độc đạo nên hàng ngày hàng chục nghìn người tham gia giao thông trên đường Hào Nam vẫn phải chui qua công trường ga La Thành. Anh Nguyễn Văn Chiến, người dân tổ dân phố số 5, phường Hào Nam, quận Đống Đa cho hay: “Sau những vụ tai nạn chết người do đi qua công trường nhà ga vừa qua, chúng tôi ở đây rất sợ. Nhưng với ga La Thành, giàn giáo thi công bịt hết đường, nên muốn qua chúng tôi không còn đường nào”.

Cũng theo anh Chiến, giá chống đỡ giàn giáo tại ga La Thành làm bằng thép ống. Với khối lượng hàng trăm tấn sắt thép, bê tông bên trên, nhưng những đoạn ống thép chống đỡ bên dưới nhìn rất mong manh. “Ngoài nguy cơ rơi vãi vật liệu từ trên xuống, chuyện gì sẽ xảy ra nếu phương tiện bên dưới không may húc mạnh vào chân giá chống đỡ?”, anh Chiến đặt tình huống.

“Trước thời điểm xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng trên, Đội CSGT số 7 đã nhiều lần đề nghị nhà thầu khi thi công các nhà ga phải bố trí lực lượng đứng cảnh báo, phân luồng, cùng với đó khi không thi công phải hạ trục cẩu xuống để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên việc này không được các nhà thầu thực hiện triệt để, đã dẫn đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua”.

Trung tá công an Hà Văn Thanh

Có mặt tại công trường ga La Thành sáng 27/3, chúng tôi ghi nhận, hạng mục đổ trụ xà mũ tại ga này đã được nhà thầu hoàn thiện khâu lồng thép. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, chỉ riêng phần khung lồng thép, mỗi xà mũ của 1 trụ ga này có trọng lượng 50 tấn, đổ bê tông vào là 200 tấn. Nếu giàn giáo bên dưới không chắc, đổ xuống đường hậu quả sẽ không lường. Vụ bê tông tươi xà mũ ở ga bến xe Hà Đông đổ đè bẹp taxi là minh chứng. Vậy nhưng sáng qua, công trường nhà ga La Thành vắng bóng công nhân hướng dẫn giao thông, trông coi. Để bảo vệ chân giàn giáo đơn vị thi công chỉ dùng tấm tôn, thùy phuy bao quanh.

Tình trạng này cũng diễn ra với gần 10 nhà ga trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông), tại ga Phùng Khoang, việc đúc xà mũ trụ gần như cơ bản xong, riêng xà mũ trụ bị đổ, gây tai nạn đợt cuối năm 2014 vẫn chưa xong. Toàn bộ giàn giáo tại đây cũng được chống đỡ bằng ống thép, thậm chí bên ngoài còn sừng sững một trục cẩu cao khoảng 30 mét, đứng nhiều ngày qua.

Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, CATP Hà Nội cho biết, ngoài ùn tắc, hầu hết công trường nhà ga, trụ cầu trên đường Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông) đang trong tình trạng thi công dở dang, làm người dân rất sợ tai nạn. Điều đã trở thành thực tế khi trong 2 tháng cuối năm 2014, công trường tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng khi người tham gia giao thông đi qua ga Phùng Khoang và ga bến xe Hà Đông (cũ) và bị vật liệu xây dựng rơi trúng. Hậu quả đã làm một người chết, một ô tô bị hư hỏng.

Theo ông Thanh, 2 vụ tai nạn trên chỉ là điển hình, các trường hợp người dân đi trên đường bị mạt hàn xì, vữa bê tông rơi vào người khi đi dưới công trường các nhà ga là chuyện bình thường.

(Còn nữa)